Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Văn Trung khẳng định, đầu tư nước ngoài đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế, góp phần tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, gia tăng kim ngạch và thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu…
Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút FDI trong năm 2014, một trong những giải pháp mà ngành hướng đến là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.
Cần đổi mới công tác quản lý nhà nước doanh nghiệp FDI
Sau hơn 25 năm mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn FDI đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Tính đến hết năm 2013, cả nước có hơn 15.696 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 230 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện khoảng 112 tỷ USD.
Năm 2013, cả nước có 1.275 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 14,27 tỷ USD và 472 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 7,3 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện trong năm 2013 đạt 11,5 tỷ USD.
Giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài khẳng định, không thể phủ nhận những đóng góp của khối doanh nghiệp FDI đối với kinh tế Việt Nam, nhất là khi kinh tế thế giới và FDI toàn cầu chưa phục hồi như dự báo.
Chỉ tính riêng đầu tư của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm của thế giới về sản xuất, xuất khẩu điện thoại di động.
Các nhà máy của hãng đã tạo ra 38.000 lao động và từ 50.000-60.000 lao động trong 2 năm tới, cùng với chiến lược đào tạo hàng ngàn kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ sư phần mềm. Đây là một kho tài sản vô cùng quý giá giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách về công nghệ so với thế giới.
Hơn nữa, trong thời gian tới, Samsung sẽ tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung lớn nhất thế giới (chiếm 60% tổng sản lượng sản xuất toàn cầu). Điều này sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu đáng kể cho Việt Nam.
Không những thế, dự kiến, năm 2014, khi Samsung hết thời hạn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thì sẽ nộp vào ngân sách tỉnh Bắc Ninh khoảng 1.000 tỷ đồng, chưa kể các khoản nộp ngân sách của doanh nghiệp phụ trợ của hãng này.
Bên cạnh đó, các dự án như dự án Lọc dầu Nghi Sơn tăng vốn thêm 2 tỷ USD; Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, vốn đầu tư 2 tỷ USD cũng là những đóng góp lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Năm 2013, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) đạt 81,1 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ và chiếm hơn 61% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Năm 2013, khu vực FDI xuất siêu 13,9 tỉ USD trong khi cả nước xuất siêu 863 triệu USD.
Mặc dù, được ghi nhận với những đóng góp của doanh nghiệp FDI vào nền kinh tế, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài của chúng ta chưa tạo được động lực phát triển cho doanh nghiệp trong nước. Sức lan tỏa của khối doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp trong nước chưa nhiều.
Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn không có dấu ấn gì nhiều, Việt Nam chưa có doanh nghiệp mạnh để vươn ra cạnh tranh toàn cầu. Ngành nghề sản xuất tuy nhiều nhưng đơn lẻ, manh mún, chạy theo số lượng, năng suất lao động kém, sản phẩm làm ra chủ yếu theo đơn hàng.
Mặt khác, hoạt động đầu tư nước ngoài thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Chất lượng dự án đầu tư nước ngoài nhìn chung chưa cao, số dự án sử dụng công nghệ cao còn ít, giá trị gia tăng thấp, sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; một số doanh nghiệp có biểu hiện chuyển giá để trốn thuế, gây thất thu ngân sách...
Giáo sư Nguyễn Mại chia sẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố hơn 500 doanh nghiệp FDI ngừng hoạt động với tổng số vốn gần 1 tỷ USD; trong đó, có nhiều chủ doanh nghiệp đã bỏ về nước. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đổi mới đồng bộ và nhanh hơn công tác quản lý nhà nước đối với FDI theo hướng tạo thuận lợi hơn và có lợi hơn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Thu hút FDI – cần chọn lọc các dự án có chất lượng
Trong khi nhiều nước ASEAN đã cải thiện môi trường đầu tư tạo nên sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài thì thủ tục hành chính ở nước ta vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư lớn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, trong năm 2014, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo nhiều thuận lợi hơn cho nhà đầu tư để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như nhà đầu tư trong nước.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của công tác thu hút đầu tư nước ngoài là tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp.
Và một trong những giải pháp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hướng tới là triển khai hiệu quả Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân các địa phương soạn thảo nhiều đề án, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, tạo dựng khung pháp lý thuận lợi, minh bạch cho việc thành lập, hoạt động và tổ chức quản lý của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đồng thời hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.
Việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 103 của Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đỗ Nhất Hoàng cũng cho rằng, chính sách đầu tư phải đi kèm với ưu đãi.
“Ưu đãi này cần phải nhất quán và thống nhất, tránh trường hợp mỗi nơi ưu đãi mỗi cách,” ông Hoàng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam phải tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng với đó, các địa phương cần chú trọng đến các dự án quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế, từng địa phương; khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với nhau và với các doanh nghiệp trong nước; Quy hoạch thu hút đầu tư nước ngoài theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng ngành để phát huy hiệu quả đầu tư phù hợp với quy hoạch chung, đảm bảo lợi ích tổng thể quốc gia và tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng lưu ý./.