Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Công tác quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập, nên cần có bộ phận quản lý tài sản Nhà nước chuyên trách, chuyên nghiệp để nâng cao hiệu quả quản lý.
Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đưa ra quan điểm chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.

Xoay quanh chủ đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển Doanh nghiệp - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

- Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có nêu "Chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp." Vậy theo ông mô hình này nên theo hướng nào?

Ông Phạm Đức Trung: Rõ ràng câu chuyện quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập, phát sinh ra nhu cầu từ nhiều năm nay. Chính vì quản lý, giám sát không tốt nên cần có bộ phận quản lý tài sản Nhà nước chuyên trách, chuyên nghiệp để nâng cao hiệu quả quản lý.

Hội nghị Trung ương lần thứ 5 vừa rồi đã đề ra chủ trương thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền đại diện quyền chủ sở hữu với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Đây là sự tổng kết thực tiễn lý luận trong nhiều năm có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, chứ không phải chủ trương nhất thời.

Chủ trương là chậm nhất đến năm 2018 thành lập cơ quan chuyên trách quản lý tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp nhưng vấn đề là phải theo mô hình nào. Cơ bản các cuộc thảo luận cho đến nay đều theo hai hướng. Thứ nhất, thành lập một cơ quan Nhà nước; thứ hai có thể là một tổ chức kinh tế theo mô hình doanh nghiệp. Theo mô hình doanh nghiệp, có ý kiến thành lập tập đoàn hay công ty quản lý vốn Nhà nước để thay thế cho quản lý của các bộ hay ủy ban nhân dân tỉnh phố hiện nay. Mô hình doanh nghiệp có nhiều ưu điểm, đặc biệt nếu chỉ xét riêng về mặt kinh doanh vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, có một hướng khác là thành lập cơ quan chuyên trách dưới hình thức Nhà nước, cụ thể là hình thức cơ quan thuộc chính phủ. Mỗi một mô hình có một ưu nhược điểm nhưng trong bối cảnh thể chế chính trị như của Việt Nam hiện nay thì tôi ủng hộ cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ vì so với mô hình doanh nghiệp sẽ có địa vị pháp lý mạnh hơn.

- Ông có nói về học tập kinh nghiệm quốc tế, vậy cụ thể là Việt Nam có thể học hỏi được gì từ kinh nghiệm xây dựng cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu từ những nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam?

Ông Phạm Đức Trung: Trước hết phải nhìn bối cảnh quốc tế hiện nay, các nước đều có doanh nghiệp nhà nước chỉ khác nhau là nhiều hay ít, quy mô như thế nào. Khi đã có vốn Nhà nước đầu tư vào kinh doanh sẽ phải có bộ máy để quản lý nguồn vốn đó.

Trên thế giới chỉ có hai mô hình, một là giao cho các bộ, hai là cũng hình thành các tổ chức quản lý các tài sản nhà nước này. Việc lựa chọn mô hình nào phải phù hợp với điều kiện kinh tế, hoàn cảnh cụ thể của từng nước. Với những nước ít doanh nghiệp nhà nước, quy mô doanh nghiệp nhà nước còn nhỏ, kinh tế thị trường phát triển như các nước G7 chẳng hạn vẫn áp dụng mô hình giao cho các bộ quản lý. Tuy nhiên, giao cho các bộ nhưng không có nghĩa là các bộ trực tiếp làm mà vẫn có các tổ chức chuyên nghiệp, chuyên trách nằm trong các bộ để quản lý các doanh nghiệp nhà nước.

Mô hình thứ hai là ở những nước có nhiều doanh nghiệp nhà nước, giá trị nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh còn lớn tương đối so với tổng thể nền kinh tế thì người ta xây dựng các tổ chức độc lập để quản lý, như Indonesia chẳng hạn có Bộ doanh nghiệp nhà nước.

Một nước có nhiều tương đồng với Việt Nam là Trung Quốc từ năm 2003 thành lập Ủy ban giám sát tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc Quốc vụ viện tức thuộc Chính phủ.

Trong quá trình từ năm 2003 đến nay, họ cũng có nhiều cải cách, đổi mới. Cho đến nay, cơ quan này vẫn quản lý khoảng 100 doanh nghiệp nhà nước. Rõ ràng là lựa chọn mô hình phải dựa vào hoàn cảnh kinh tế cụ thể, đó là kinh nghiệm Trung Quốc mà ta có thể tham khảo khi xây dựng mô hình cơ quan chuyên trách quản lý tài sản Nhà nước trong thời gian tới đây.

[Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Quyền lực của dòng tiền 'khôn']

Cũng cần nói thêm mô hình quản lý độc lập ở đây chỉ là tách khỏi bộ chủ quan, còn vẫn thuộc hệ thống của Chính phủ. Để cơ quan Chính phủ quản lý các doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực sự hoạt động hiệu quả so với hiện nay thì cơ quan này không thể chỉ là cơ quan có cơ chế hoạt động như cơ quan hành chính thông thường được.

Hình thức là cơ quan nhà nước nhưng cơ chế hoạt động của nó phải khác, đó là phải có đủ nguồn lực, công cụ của lĩnh vực đầu tư kinh doanh, chứ không thể là cơ quan hành chính thông thường được.

- Về lâu dài, cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản Nhà nước cần đặt ra như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Đức Trung: Câu chuyện quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước phải là sự đồng bộ không chỉ là cơ chế quản lý giám sát doanh nghiệp mà còn phải là đồng bộ các giải pháp. Hiệu quả của đồng vốn Nhà nước phụ thuộc vào ba nhóm nguyên nhân, đó là cơ chế quản lý, giám sát vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế.

Nhóm nguyên nhân thứ hai đó là năng lực quản lý, quản trị của các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ có vấn đề. Nhóm nguyên nhân thứ ba phải nhìn ở góc độ xuất phát điểm đó là vấn đề sở hữu, quyền tài sản và trách nhiệm cá nhân của những người quản lý điều hành.

Vì vậy, cơ chế giám sát về lâu dài cũng phải có ba nhóm giải pháp lớn.

Thứ nhất, về cơ chế quản lý giám sát phải nhanh chóng hình thành bộ máy quản lý giám sát, chuyên trách chuyên nghiệp để tách khỏi bộ quản lý ngành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

Không chỉ riêng Việt Nam mà cả các nơi cũng đòi hỏi phải tách biệt rõ hai chức năng này ra nhằm chống phân biệt đối xử để tránh tình huống vừa là chủ vừa là trọng tài, người ban hành chính sách. Cơ quan chuyên trách quản lý tài sản Nhà nước ở Việt Nam trong thời gian tới nếu được thành lập cũng không được phép có chức năng ban hành chính sách, đây chính là nguyên tắc bất di bất dịch.

Thứ hai, về mặt sở hữu thì rõ ràng là không phải ngẫu nhiên mà các vụ việc thất thoát tài sản Nhà nước chỉ tập trung ở các doanh nghiệp sở hữu 100% vốn Nhà nước. Vì vậy, về mặt sở hữu có lẽ phải có sự cải cách mạnh mẽ.

Rất đáng mừng là Nghị quyết Trung ương 5 vừa rồi có chủ trương quan trọng là trong thời gian tới hầu hết các doanh nghiệp nhà nước phải tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần.

Rõ ràng phải đẩy mạnh hơn việc cổ phần hóa, thu hẹp tối thiểu diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Xét về mặt quản trị, hình thức công ty cổ phần có nhiều cái lợi để quản lý, giám sát tài sản Nhà nước. Trong công ty cổ phần, phần vốn Nhà nước hay còn gọi cổ phần Nhà nước sẽ có thêm được những kênh khác để quản lý, giám sát phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đặc biệt là quản lý của các cổ đông.

Nhà nước vừa có thể trực tiếp giám sát vừa có thể đồng thời thông qua sự giám sát của các cổ đông khác - là những đối tượng có gắn quyền lợi trách nhiệm với doanh nghiệp. Tiếp đó là giám sát của công luận và thị trường cũng rất quan trọng, nhất là trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước niêm yết. Rõ ràng là trong trường hợp này, doanh nghiệp nhà nước sẽ được lợi hơn, có thêm nhiều kênh giám sát tài sản của mình.

Điểm thứ ba để giám sát tốt theo tôi quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực, trình độ của doanh nghiệp nhà nước mà điểm mấu chốt là áp đặt cơ chế thị trường với doanh nghiệp nhà nước. Hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sẽ cao nhất khi được đặt trong môi trường cạnh tranh, bình đẳng, đặc biệt là trong việc tiếp cận các nguồn lực, kể cả nguồn nhân lực cán bộ cũng phải có sự cạnh tranh để nhằm đảm bảo hiệu quả giám sát cũng như hiệu quả vốn Nhà nước.

- Như ông vừa nói là yếu tố con người, yếu tố quản trị là rất quan trọng. Vậy có cần đặt ra tiêu chí, quy định trách nhiệm với người đứng đầu không?

Ông Phạm Đức Trung: Thực ra cái này là luôn luôn cần, thông lệ quốc tế cũng luôn khuyến nghị điều này. Bộ tiêu chí hay tiêu chuẩn, điều kiện của người quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước không thiếu, rất nhiều nhưng vấn đề là có hợp lý hay không thôi, hoặc tổ chức thực hiện không tốt, nhiều khi không đáp ứng đủ tiêu chí đặt ra mà vẫn bổ nhiệm.

Cũng còn thiếu tiêu chí giám sát đánh giá người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà ở đây có thể là chủ tịch tập đoàn, thành viên hội đồng quản trị.

Thực tế là có những tiêu chí do chúng ta đặt ra, đặc biệt là tiêu chí bổ nhiệm tại doanh nghiệp nhà nước có nhiều điểm chưa phù hợp với việc đầu tư kinh doanh. Vì vậy, chưa tạo điều kiện, thu hút được các chuyên gia từ thị trường vào.

Từ trước đến nay, người được bổ nhiệm được gọi là người Nhà nước, chẳng hạn bổ nhiệm người của các bộ về làm cán bộ quản lý doanh nghiệp nhiều trường hợp không hiệu quả dù không sai về quy trình, như vậy rõ ràng là tiêu chí có vấn đề.

Về bộ tiêu chí với người đứng đầu, vừa qua Hội nghị Trung ương 5 cũng có định hướng rất quan trọng về cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước. Đó là phải tách đội ngũ quản lý điều hành doanh nghiệp nhà nước ra khỏi chế độ công chức, viên chức.

Đây là một chủ trương khi thực hiện sẽ tạo ra thay đổi rất lớn, có nghĩa rằng toàn bộ bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp nhà nước không áp dụng chế độ cán bộ công chức như hiện nay mà áp dụng chế độ hợp đồng lao động, tuyển dụng từ thị trường, thi tuyển. Đó là thay đổi rất lớn. Sẽ phải áp dụng triệt để nguyên tắc trả lương, thưởng theo kinh tế thị trường thực sự gắn với năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Việc quản lý tài sản Nhà nước hiện được giao cho các bộ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành nhưng trên thực tế việc quản lý vốn Nhà nước chỉ là một trong hàng loạt chức năng của các bộ ngành địa phương, vì vậy khi tách nhiệm vụ này ra sẽ chuyên nghiệp hơn. Điều này không chỉ là nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước mà cũng đồng thời hỗ trợ cho các bộ làm tốt hơn các việc khác.

- Xin cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.