Nâng cao hơn nữa chất lượng và vai trò của Kiểm toán nhà nước

Cần quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, trách nhiệm, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong quá trình tham gia thẩm tra dự toán, phân bổ ngân sách và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

Hiến pháp năm 2013 và Luật Kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Với vị thế đó, vai trò của Kiểm toán nhà nước ngày càng được khẳng định là công cụ kiểm tra, kiểm soát, phục vụ giám sát quá trình quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, tiền và tài sản của Nhà nước.

Hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước (11/7/1994-11/7/2024), Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Ngân sách, Văn phòng Quốc hội về vai trò của Kiểm toán nhà nước đối với việc xây dựng, quyết định dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm.

Cung cấp thông tin tin cậy

Là cơ quan về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước, hoạt động độc lập theo luật định, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã phục vụ tích cực cho việc kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiền và tài sản của Nhà nước; thúc đẩy thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Trong nhiều năm qua, Kiểm toán nhà nước đã chủ động thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, trong đó tập trung vào báo cáo kiểm toán tài chính để giúp Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và Hội đồng Nhân dân các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.

Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã cung cấp thông tin giúp cho Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các Ủy ban của Quốc hội sử dụng trong quá trình thẩm tra và giám sát về quyết toán ngân sách nhà nước.

Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại và kiến nghị xử lý tài chính nhiều vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, bao gồm cả những hạn chế trong việc lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước, làm cơ sở cho việc thảo luận, quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm sau của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, cung cấp thông tin phục vụ cho Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp quyết định dự toán ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương.

Những đóng góp tích cực của Kiểm toán nhà nước là rất có giá trị nhằm cung cấp thông tin, số liệu, tài liệu có độ tin cậy cao để giúp Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; Hội đồng Nhân dân các cấp quyết định dự toán, phân bổ và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.

tong kiem toan nha nuoc.jpg
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đặc biệt, với khuôn khổ pháp lý về Kiểm toán nhà nước không ngừng được hoàn thiện đã thúc đẩy vai trò ngày càng cao của Kiểm toán nhà nước thông qua việc “pháp lý hóa” ở mức độ cao hơn trong quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán nhà nước.

Từ sau khi Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Ngân sách nhà nước được ban hành, Tổng Kiểm toán nhà nước đã có ý kiến trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương hằng năm.

Đồng thời, Kiểm toán nhà nước cũng đã có ý kiến chính thức bằng văn bản về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương hằng năm, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi Ủy ban Tài chính-Ngân sách sử dụng trong quá trình thẩm tra.

Sự tham gia của Kiểm toán nhà nước đã cung cấp những thông tin cần thiết cho việc thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước tại các Ủy ban của Quốc hội và hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Ý kiến nhận xét, đánh giá, xác nhận của Kiểm toán nhà nước về các tồn tại trong quá trình lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước là những tài liệu quan trọng cung cấp cho cơ quan dân cử để thảo luận, thẩm tra và xem xét quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong phối hợp thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước

Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn thời gian qua cho thấy các ý kiến tham gia đóng góp của Kiểm toán nhà nước đối với dự toán ngân sách nhà nước hằng năm còn hạn chế, nhất là về mức độ hợp lý của từng chỉ tiêu thu, chi ngân sách, tính chính xác của số liệu, cũng như địa chỉ các khoản thu, chi ngân sách nhà nước không hợp lý của năm hiện hành và năm kế hoạch.

Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân như công tác lập dự toán ngân sách ở địa phương còn nhiều hạn chế.

Hầu hết các tỉnh, thành phố lập dự toán số thu thấp, số chi cao, dẫn đến địa phương vượt dự toán thu khá lớn, trong khi nhiều khoản chi vượt dự toán (cá biệt có địa phương chi vượt đến 200% dự toán).

Điều đó cho thấy chất lượng công tác lập, thẩm định dự toán ngân sách nhà nước thấp, nên còn nhiều các khoản thu, chi chưa được quản lý chặt chẽ, chưa đưa vào dự toán ngân sách nhà nước để trình Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp quyết định...

Mặt khác, thời gian thẩm tra dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước còn quá ngắn do tài liệu của Chính phủ gửi cho Kiểm toán nhà nước và cơ quan thẩm tra chậm.

Thực tế, sau khi có tài liệu của Chính phủ, Ủy ban Tài chính ngân sách chủ trì cùng Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chỉ có vài ngày (thậm chí 3-5 ngày) để thẩm tra.

Điều này đã gây khó khăn cho việc thẩm tra, đánh giá, cho ý kiến của các cơ quan Quốc hội, nhất là đối với những vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội.

kiem toan nhà nuoc bien hoa.jpg
Trụ sở Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII trong khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, vai trò của Kiểm toán nhà nước đối với việc xây dựng dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước, cần quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, trách nhiệm, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong quá trình tham gia thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.

Đồng thời, cần cụ thể hóa cơ chế phối hợp giữa Ủy ban Tài chính, Ngân sách với Kiểm toán nhà nước theo hướng Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu ra các vấn đề Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện.

Chẳng hạn như giám sát về đầu tư công thì Kiểm toán nhà nước cần cung cấp thông tin thất thoát bao nhiêu, ở khâu nào, số kinh phí thất thoát bằng bao nhiêu phần trăm (%) so với tổng mức vốn đầu tư, có bao nhiêu công trình kém hiệu quả trên tổng số các công trình đầu tư công...).

Từ các vấn đề do Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đưa ra, Kiểm toán nhà nước tập trung làm rõ để phục vụ yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Qua kết quả kiểm toán một số năm liền kề, Kiểm toán nhà nước cần cung cấp thông tin và đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm hiện hành trên cơ sở một số nội dung như kết quả đạt được về thu, chi; quản lý và điều hành ngân sách nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương; các chỉ tiêu ước thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước đã sát thực tế và hợp lý chưa?

Những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân và khả năng hoàn thành dự toán ngân sách nhà nước (trong đó phân tích sâu những tồn tại và khả năng tăng thu ngân sách nhà nước ở các lĩnh vực, các khu vực kinh tế: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đầu tư nước ngoài, thu từ dầu thô, thu xuất nhập khẩu…;

Những lĩnh vực chi vượt dự toán, chi không đạt dự toán, mức độ tăng chi quản lý hành chính...). Đồng thời, kiến nghị giải pháp điều hành ngân sách nhà nước trong năm hiện hành và năm kế hoạch.

Qua kết quả kiểm toán, cần đánh giá những yếu tố thuận lợi, không thuận lợi tác động đến dự toán ngân sách nhà nước năm sau. Trong đó, cần đánh giá dự toán thu, chi ngân sách nhà nước theo báo cáo của Chính phủ đã hợp lý chưa? Nếu chưa thì cần tăng, giảm ở những khoản thu, khoản chi nào? Tại sao? Tình hình nợ đọng thuế, trốn thuế và khả năng thu hồi các khoản nợ đọng này.

Cơ sở, căn cứ và tính hợp lý của phương án phân bổ ngân sách Trung ương, xác định số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương hằng năm? Kiến nghị giải pháp trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước hằng năm.

Cơ quan Kiểm toán nhà nước cần nâng cao tính độc lập, khách quan, có đủ thời gian xem xét và tham gia ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước, thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Quốc hội cần đề cao vai trò của Kiểm toán nhà nước khi tham gia phối hợp thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương; cung cấp thông tin kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm để trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và Hội đồng Nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.

Các cơ quan của Chính phủ cần kịp thời báo cáo cung cấp thông tin về dự toán ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước cho các cơ quan có nhiệm vụ thẩm tra, bảo đảm tính đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Bởi quá trình này đòi hỏi phải có nhiều thông tin, về nhiều vấn đề, trên nhiều lĩnh vực như thực trạng tình hình kinh tế-xã hội của từng địa phương, đơn vị kinh tế, từng ngành, từng vùng, từng lĩnh vực của nền kinh tế; tình hình thực hiện ngân sách của từng Bộ, cơ quan trung ương và của từng địa phương; số liệu về tăng trưởng kinh tế, các chỉ tiêu có liên quan, quy định của pháp luật về chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức, khả năng thu ngân sách; nhu cầu vốn đầu tư phát triển và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Đối với chi đầu tư phát triển, cần phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch, danh mục công trình, dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thực trạng nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ theo từng năm...

Những thông tin này rất quan trọng là cơ sở căn cứ để Kiểm toán nhà nước đánh giá, cho ý kiến về dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước cũng như phục vụ cho Ủy ban Tài chính, Ngân sách trong quá trình thẩm tra dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.