Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép,” nhưng ưu tiên tập trung phòng, chống dịch hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.
Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 22/7, Quốc hội đã nghe các cơ quan chức năng trình nhiều báo cáo quan trọng để thảo luận, quyết định trong Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Trình bày trước Quốc hội Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới.

Nhiều địa phương có dịch nhưng vẫn tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác; cân đối ngân sách Trung ương được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%.

Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường; thương mại điện tử phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, hỗ trợ tích cực cho tiêu thụ nông sản.

Trong những tháng còn lại của năm 2021, Chính phủ quyết tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

[Quốc hội: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy phát triển]

Cùng với đó, Chính phủ quyết tâm kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm vốn cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiết kiệm chi thường xuyên 10% (không kể tiền lương), kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết, các nhiệm vụ chi chậm triển khai, nhất là việc rà soát, cắt giảm phù hợp các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép,” nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.

“Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện chủ trương “5K+vaccine” và tăng cường ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, nhất là khi dịch đang xâm nhập vào khu công nghiệp, khu đô thị có mật độ dân số cao, khu đông dân cư.

Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh mà dịch đang bùng phát mạnh. Tăng cường thông tin tuyên truyền và kêu gọi người dân tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch,” Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng, trình bày trước Quốc hội nêu mục tiêu tổng quát trong giai đoạn này là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Cùng với đó, cần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, cần phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân; từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”…

Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế ảnh 2Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước do Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày trước Quốc hội đã kiến nghị về 5 nội dung; trong đó có việc đề nghị các đại biểu Quốc hội khóa XV đề cao trách nhiệm, cố gắng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình hành động và lời hứa với cử tri trong quá trình vận động bầu cử.

Cử tri, nhân dân mong muốn các đại biểu tích cực nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hoạt động đại biểu; gương mẫu, bản lĩnh, thật sự gắn bó máu thịt với nhân dân; nỗ lực hành động theo phương châm: tận tụy để dân mến, trách nhiệm để dân thương, kỷ cương để dân trọng, năng động để dân nhờ.

Sau nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019; Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách Nnhà nước năm 2019.

Cuối phiên họp sáng, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đề nghị giữ nguyên cơ cấu tổ chức của Chính phủ với 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

Trong phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình, thống nhất với Chính phủ về việc tập trung cao độ cho phòng, chống dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay, đồng thời quan tâm đến việc thực hiện "mục tiêu kép" về phát triển kinh tế-xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.