Nàng dâu “Sống chung với mẹ chồng” biến hóa ở kịch thiếu nhi

Thu Quỳnh - nữ diễn viên đóng vai nàng dâu “lắm chiêu” trong bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” sẽ có màn biến hóa trong vở kịch thiếu nhi nổi tiếng thế giới “Con chim xanh.”
Thu Quỳnh (trái) trong phim "Sống chung với mẹ chồng." (Ảnh: VFC)

Thu Quỳnh - nữ diễn viên đóng vai Trang (cô con dâu “tai quái” trong bộ phim đang gây “bão” trên sóng truyền hình “Sống chung với mẹ chồng”) sẽ biến hóa trong vở kịch thiếu nhi nổi tiếng thế giới “Con chim xanh.”

[“Sống chung với mẹ chồng”: Tại anh, tại ả, tại… cả đôi bên]

Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của chủ nhân giải Nobel Văn học 1911 Maurice Maeterlinck.

Vở kịch kể về hành trình của hai đứa trẻ con trong gia đình người tiều phu nghèo đi tìm con chim xanh - sứ giả của hạnh phúc và tình yêu, để mang về chữa bệnh cho một người bạn đang bị ốm vì không biết hạnh phúc là gì.

Với sự giúp đỡ nhiệt tình của những người bạn, hai đứa trẻ đã trải qua những cuộc phiêu lưu thú vị ở ngôi đền Ánh Sáng, xứ sở Ký Ức, cung điện Bóng Đêm, vương quốc Tương Lai...

Thu Quỳnh (giữa) trong "Con chim xanh" (Ảnh: NHTT)

Phiên bản “Con chim xanh” lần này là kết quả của sự hợp tác giữa các nghệ sỹ Bỉ và Việt Nam: đạo diễn người Bỉ Xavier Lukowski dàn dựng, với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Việt Nam như: Thu Hương, Bá Anh...

Vở kịch chính thức ra mắt khán giả Thủ đô Hà Nội từ ngày 11/5 nhân sự kiện “Những ngày châu Âu tại Việt Nam” và Quốc tế Thiếu nhi 1/6 tại Nhà hát Tuổi Trẻ (số 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội).

“Con chim xanh” được công diễn lần đầu tiên vào năm 1908 tại Nhà hát Nghệ thuật Moscow (Nga).

Maurice Maeterlinck (1862-1949) là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng người Bỉ với những tác phẩm giàu trí tưởng tượng.

Một cảnh trong vở kich "Con chim xanh." (Ảnh: NHTT)

Ở lĩnh vực sân khấu, Maurice Maeterlinck được coi là một trong những người mở đầu của sân khấu kịch phi lý. Đến nay, nhiều tác phẩm của ông vẫn được các nhà hát, đoàn nghệ thuật trên thế giới dàn dựng như: vở “Pelléas et Mélisande” (“Pelleas và Mélisande,” 1892), vở “Monna Vanna” (1902).../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục