Nâng dự án Pháp lệnh quân nhân chuyên nghiệp lên thành Luật

Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, nhân viên quốc phòng.
Nâng dự án Pháp lệnh quân nhân chuyên nghiệp lên thành Luật ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 13/8, tiếp tục chương trình làm việc, Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, nhân viên quốc phòng.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ dự án Pháp lệnh đã thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, bảo đảm giành thắng lợi trong mọi tình huống.

Các nội dung của Pháp lệnh tuân thủ Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan, đồng thời bảo đảm nguyên tắc chỉ huy, quản lý và điều hành Quân đội.

Pháp lệnh xác định rõ vị trí, chức năng của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ cấu tổ chức biên chế của Quân đội đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới...

Dự thảo Pháp lệnh gồm có 7 chương, 50 điều. Thẩm tra dự án Pháp lệnh, Ủy ban An ninh - Quốc phòng tán thành với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh.

Đối với quân nhân chuyên nghiệp, Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đã không còn quy định về quân nhân chuyên nghiệp vì chế độ phục vụ là tự nguyện và khi Luật có hiệu lực thi hành (từ 1/1/2016) thì các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quân nhân chuyên nghiệp ban hành trước đó sẽ không còn hiệu lực.

Hơn nữa, các văn bản pháp luật hiện hành quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, độ tuổi phục vụ, chế độ chính sách … đối với quân nhân chuyên nghiệp còn nhiều bất cập, chưa cụ thể nên việc bố trí, tuyển dụng, sử dụng có lúc, có nơi thiếu thống nhất, hiệu quả chưa cao, không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào phục vụ quân đội.

Đối với công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng, việc điều chỉnh về chế độ phục vụ, chế độ chính sách chủ yếu được thực hiện theo các nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số luật như Bộ Luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế, Luật viên chức… nên thiếu tính đồng bộ, chưa phản ánh đúng vị trí, chức năng của công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng; chưa thể chế hóa đầy đủ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với ngành lao động đặc biệt nên dẫn tới tình trạng cùng một vị trí với cùng trình độ được đào tạo, trong cùng môi trường làm việc nhưng chế độ, chính sách đối với hai đối tượng này còn chênh lệch nhiều so với quân nhân chuyên nghiệp, chưa bảo đảm công bằng và chưa thu hút được nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật giỏi phục vụ lâu dài trong quân đội.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng các quy định trong Pháp lệnh phải thể chế hóa được quan điểm, chính sách của Đảng, phù hợp với yêu cầu xây dựng từng lực lượng và phù hợp với cơ chế quản lý mới, khắc phục những hạn chế bất cập, chồng chéo về vị trí việc làm, chức danh hiện nay, đặc biệt đối với công nhân quốc phòng cần nghiên cứu để thể chế hóa các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.

Đổi mới về tổ chức xây dựng lực lượng nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới nhưng cần có sự kế thừa những quy định hiện hành còn phù hợp và đang phát huy trong thực tiễn với bước đi thích hợp; không làm xáo trộn tổ chức, nhân lực, ảnh hưởng đến tư tưởng của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, đặc biệt là ở các đơn vị sẵn sàng chiến đấu.

Tại phiên thảo luận, nội dung về đảm bảo sự phù hợp giữa Pháp lệnh với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật được nhiều Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến.

Cụ thể đối với quy định về cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp tại Điều 16. Theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh, nội dung này thuộc thẩm quyền của Quốc hội quy định hàm cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân tại khoản 12 Điều 70 Hiến pháp.

Tuy nhiên qua xem xét thấy rằng, việc quy định quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ huy trong tổ chức quân đội nhân dân Việt Nam đã được quy định trong Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành và đang được thực hiện ổn định, phù hợp với thực tiễn.

Cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được quy định trong dự thảo Pháp lệnh là kế thừa quy định của pháp luật hiện hành, không bổ sung mới, phù hợp với hệ thống quân hàm trong quân đội.

Tại phiên làm việc, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần làm rõ vấn đề này, đảm bảo sự tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị nâng dự án Pháp lệnh thành hình thức Luật và xin bổ sung vào chương trình Kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới và thông qua tại 1 kỳ họp.

“Như vậy, giá trị pháp lý được nâng cao hơn, phù hợp với khoản 12, Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 là hàm cấp trong lực lượng vũ trang phải do Quốc hội quy định,” Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn kết luận, đề nghị Ban soạn thảo cần khẩn trương tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện, nâng Pháp lệnh lên thành luật, trình Quốc hội xem xét. Trong tháng 9, cơ quan soạn thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo đúng quy trình tại Phiên họp thứ 41.

Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) và Luật tố tụng hành chính (sửa đổi)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục