Nâng hiệu quả triển khai văn kiện biên giới đất liền Việt-Trung

Mỗi ngày 23.000 lượt người và kim ngạch mậu biên đạt 70 triệu USD qua các cửa khẩu biên giới Việt-Trung, tăng lần lượt 3-4 lần so năm 2010.
Nâng hiệu quả triển khai văn kiện biên giới đất liền Việt-Trung ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung (trái) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN)

Sáng 24/5, Hội nghị tổng kết song phương 5 năm triển khai Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc (gọi tắt là 3 văn kiện pháp lý về biên giới) đã khai mạc tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).

Đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các cơ quan chức năng và lãnh đạo các tỉnh biên giới hai nước Việt Nam-Trung Quốc cùng tham dự. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân dự và chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết trong tiến trình phát triển tổng thể của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ luôn được lãnh đạo và nhân dân hai nước quan tâm.

Ngày 18/11/2009, đại diện Chính phủ hai nước đã ký kết 3 văn kiện pháp lý về biên giới, mở ra một chương mới trong quan hệ biên giới trên đất liền giữa hai nước. Thực tiễn 5 năm triển khai quản lý biên giới theo 3 văn kiện pháp lý về biên giới kể trên cho thấy công tác quản lý, bảo vệ biên giới đã bước đầu đi vào nền nếp; các lực lượng chức năng hai nước đã phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác quản lý và bảo vệ biên giới, kịp thời xử lý ổn thỏa các sự kiện biên giới. Do đó, tình hình biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc giữ được sự ổn định, an ninh trật tự khu vực biên giới được đảm bảo, kinh tế-xã hội vùng biên phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân khu vực biên giới hai nước được cải thiện…

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, thực tiễn triển khai các văn kiện pháp lý về biên giới cũng nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết như việc thống nhất giải thích và áp dụng các quy định của 3 văn kiện trong xác định chính xác hướng đi của đường biên giới ở một số khu vực khó nhận biết và xây dựng các công trình biên giới; vấn đề quản lý người lao động tự do ở khu vực biên giới bên này sang bên kia tìm kiếm việc làm; tiến độ triển khai một số thỏa thuận song phương còn chậm và cần tăng cường phối hợp hơn nữa trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống…

Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh hội nghị lần này cần tập trung làm rõ một số nội dung gồm: kiểm điểm những kết quả nổi bật đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới lãnh thổ theo 3 văn kiện pháp lý trong thời gian qua; chỉ rõ những tồn tại và giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, gắn với việc phục vụ phát triển giao lưu, hợp tác kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới; nhận diện những vấn đề, thách thức mới nổi đe dọa hòa bình, ổn định của biên giới Việt Nam-Trung Quốc đòi hỏi hai bên cần tăng cường hợp tác cùng ứng phó.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như những hiệu quả thiết thực do 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Trung Quốc-Việt Nam mang lại trong thời gian qua.

Theo số liệu thống kê, số lượng người dân hai nước qua lại tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới Trung Quốc-Việt Nam hiện nay đạt khoảng 23.000 lượt người/ngày, tăng gấp 3 lần so với năm 2010; kim ngạch biên mậu bình quân đạt 70 triệu USD/ngày, tăng gần gấp 4 lần so với năm 2010…

Ông Lưu Chấn Dân nhấn mạnh, 3 văn kiện pháp lý đã mở ra trang mới cho quan hệ Trung-Việt, góp phần nâng cấp phát triển toàn diện quan hệ hai nước; tạo cơ sở và căn cứ cho công tác quản lý biên giới và thực tiễn thành công của việc giải quyết hòa bình tranh chấp thông qua hiệp thương và đàm phán.

Nhân dịp này, ông Lưu Chấn Dân đề nghị các cơ quản quản lý hai nước cần tiếp tục duy trì trao đổi chặt chẽ và toàn diện về công tác hợp tác, quản lý biên giới; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các mô hình hợp tác, nâng cao hiệu quả thông quan, phát triển thương mại xuyên biên giới; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai nước đi lại, thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu hữu nghị và tăng cường hiểu biết…

Tại hội nghị, đại biểu hai nước đã cùng trao đổi và thảo luận về các chuyên đề hợp tác về quản lý biên giới và chấp hành pháp luật; thuận tiện hóa thông quan và mở cửa khẩu; hợp tác kinh tế và du lịch qua biên giới; kết nối giao thông biên giới và xây dựng cơ sở hạ tầng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục