Nắng nóng gay gắt, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lập đỉnh mới

Nếu so với mức đỉnh năm 2020 thì công suất ngày 2/6 đã cao hơn tới trên 3.200 MW, tương đương với mức tổng công suất của cả nhà máy thuỷ điện Sơn La (2.400 MW) và thủy điện Lai Châu (1.200 MW).
Nắng nóng gay gắt, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lập đỉnh mới ảnh 1Nhân viên EVNHANOI kiểm tra tình trạng vận hành của thiết bị điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, công suất tiêu thụ điện toàn quốc ngày 2/6 lại tiếp tục lập đỉnh mới là 41.558 MW.

Như vậy, nếu so với mức đỉnh năm 2020 thì công suất đỉnh toàn quốc ngày 2/6 đã cao hơn tới trên 3.200 MW, tương đương với mức tổng công suất của cả nhà máy thuỷ điện Sơn La (2.400 MW) và thủy điện Lai Châu (1.200 MW).

[Nắng nóng khiến tiêu thụ điện trên địa bàn Hà Nội tăng cao kỷ lục]

Tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài làm nhiều thiết bị điện liên tục vận hành đầy tải, thậm chí quá tải ở một số thời điểm dẫn đến nguy cơ xảy ra các sự cố cục bộ trên lưới điện.

EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối (vào buổi trưa từ 11 giờ 30 phút đến 15 giờ 00 và buổi tối từ 20 giờ 00 đến 23 giờ 00).

Bên cạnh đó, ngành điện lưu ý người dân chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ C trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn để giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố, cháy nổ về điện.

“Để tiết kiệm điện vào những ngày nắng nóng gay gắt cao điểm, trụ sở làm việc của tất cả các đơn vị thuộc EVN trên địa bàn khu vực phía Bắc đã chủ động thực hiện ngay việc tiết giảm 100% điện chiếu sáng tại khu vực công cộng và giảm 50% điện chiếu sáng tại các khu vực làm việc, tiết giảm ít nhất 50% điện cho điều hòa nhiệt độ,” đại diện EVN cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.