Nắng nóng gay gắt, lượng điện tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh lên mức kỷ lục

Theo Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện tiêu thụ ở Thành phố Hồ Chí Minh đạt 9,75 tỷ kWh, tăng 11,4 % so với cùng kỳ 2023.

Công nhân ngành điện Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực duy trì mạch điện trong những ngày nắng gắt. (Nguồn: TTXVN)
Công nhân ngành điện Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực duy trì mạch điện trong những ngày nắng gắt. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 22/5, Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết sản lượng điện tiêu thụ ở Thành phố Hồ Chí Minh đạt mức kỷ lục vào ngày 3/5 vừa qua với 104,513 triệu kWh.

Sản lượng điện tiêu thụ này tăng 9,13 triệu kWh so với điểm đỉnh lượng điện thành phố tiêu thụ năm 2023 (94,8 triệu kWh), được ghi vào ngày 6/5/2023.

Tính chung trong 22 ngày đầu tháng 5/2024, đã có 14 ngày vượt đỉnh của năm trước, trong đó có 5 ngày vượt cột mốc 100 triệu kWh. Sản lượng điện Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ giảm trong những ngày gần đây một phần do những ngày nghỉ cuối tuần và một phần do mưa liên tục trên diện rộng nên nhiệt độ ngoài trời giảm mạnh. Tuy nhiên, sản lượng điện bình quân thành phố tiêu thụ trong 6 ngày qua cũng ở mức 94,2 kWh.

Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, tiêu thụ điện lập kỷ lục này là chưa từng có từ xưa đến nay và có nguy cơ xảy ra quá tải cục bộ, phạm vi nhỏ do nhu cầu sử dụng tăng đột biến trong cùng một thời điểm.

Nguyên nhân là do Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phố phía Nam chịu tác động mạnh mẽ từ hiện tượng El Nino, thời tiết nắng nóng gay gắt ngay từ tháng Ba với nhiệt độ trung bình cao hơn năm trước từ 1-1,5 độ C.

Đặc biệt, tháng Tư và đầu tháng Năm là điểm đỉnh của giai đoạn mùa khô. Đây cũng là cao điểm nắng nóng trong năm, nhiệt độ ngoài trời có những lúc vượt lên hơn 37-40 độ C. Số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn so với những tháng trước, thậm chí cả đêm oi bức đến sáng sớm hôm sau.

Do vậy, nhu cầu dùng điện tăng cao và có những lúc rất cao và chủ yếu do sử dụng nhiều thiết bị giải nhiệt, làm mát, đặc biệt là việc sử dụng máy lạnh của các công xưởng, nhà máy, xí nghiệp đến các cơ quan, đơn vị, hộ sản xuất kinh doanh, hộ gia đình…

Một nguyên nhân khác khiến sản lượng tiêu thụ điện của Thành phố Hồ Chí Minh tăng là do các doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng thêm lao động mới, tăng cường sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, có nhiều sản phẩm sử dụng điện mới như ôtô điện, xe máy điện…

Theo Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện tiêu thụ ở Thành phố Hồ Chí Minh đạt 9,75 tỷ kWh, tăng 11,4 % so với cùng kỳ 2023 và đây cũng là mức tăng cao trong nhiều năm qua.

ttxvn_Tieu thu dien 2.jpg
Công nhân ngành điện thi công live-line (điện sống) trên lưới điện 22 kV khu vực phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh dưới trời nắng nóng trên 41 độ C. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Bình quân mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ 83,36 triệu kWh, cao hơn 11,1% so với cùng kỳ. Tỷ trọng tiêu thụ điện sinh hoạt tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 4 tháng đầu năm chiếm hơn một nửa tổng sản lượng và có mức tăng gần 2,23%, tăng mạnh hơn nhiều so với nhóm ngoài sinh hoạt.

Ngành điện Thành phố Hồ Chí Minh đã có khuyến cáo người dân và doanh nghiệp tăng cường thực hiện các giải pháp tiết kiệm để hạn chế tình trạng này, đồng thời chỉ đạo các công ty điện lực trực thuộc phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, hỗ trợ các đơn vị, hộ dân có biển quảng cáo lớn cắt giảm thời lượng chiếu sáng, thực hiện các giải pháp cấp bách về tiết kiệm điện.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành và chính quyền các quận, huyện và tp. Thủ Đức về đẩy mạnh tiết kiệm điện và bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn thành phố.

Thành phố yêu cầu yêu tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng quảng cáo, hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi xe, khuôn viên, các khu vực công cộng từ 22 giờ; tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí từ 22 giờ từ ngày 1/5 đến 30/6./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.