Nâng tầm sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường thế giới

Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, người sản xuất, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang hướng đến việc nâng tầm tôm Việt trên thị trường thế giới.
Nâng tầm sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường thế giới ảnh 1Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Hậu Giang (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sau đúng một năm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tham dự hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam và đưa ra mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, ngành tôm bước đầu đã có những chuyển biến quan trọng.

Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, người sản xuất, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang hướng đến việc nâng tầm tôm Việt trên thị trường thế giới.

Dịch chuyển từ “lượng” sang “chất”

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu ​Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2017, xuất khẩu tôm của cả nước đạt khoảng 3,85 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm ngoái; trong đó, sản phẩm tôm thẻ chân trắng chiếm 65% tổng xuất khẩu tôm, đạt 2,5 tỷ USD, tăng 28% so với năm ngoái và gấp 3 lần xuất khẩu tôm sú.

Đáng chú ý, các mặt hàng tôm thẻ chân trắng chế biến giá trị gia tăng có sự biến chuyển mạnh trong năm 2017. Đã có khoảng 50% số tôm thẻ chân trắng xuất khẩu là các mặt hàng giá trị gia tăng.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) cho biết, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đều tập trung sản xuất, chế biến các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Đây cũng là xu hướng chung của một số thị trường nhập khẩu tôm hiện nay.

Đơn cử như thị trường EU, trước đây, thị trường này chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên con, thì nay lại có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm chế biến sẵn như tôm tẩm ướp gia vị, xiên que...

Mặt khác, trong năm 2017, do giá tôm nguyên liệu trong nước tăng cao, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư làm hàng chế biến sâu để gia tăng giá trị xuất khẩu để đủ bù đắp chi phí nguyên liệu.

Điều này không chỉ mang lại giá trị cao gấp 2-3 lần so với việc xuất khẩu sản phẩm nguyên con, mà còn giúp doanh nghiệp tận dụng được những ưu đãi thuế liên quan đến vấn đề xuất xứ hàng hóa.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, việc sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng tôm có hàm lượng giá trị gia tăng cao sẽ là khuynh hướng của ngành tôm trong tương lai.

Trong khi đó, đối với ngành chế biến thủy sản, Việt Nam có lợi thế đi trước và được các doanh nghiệp đầu tư bài bản hơn so với một số nguồn cung tôm khác trên thế giới.

Do vậy, nếu các doanh nghiệp tiếp tục “đổ sức” vào việc nâng giá trị gia tăng của con tôm lên thì chắc chắn sẽ có thị trường tốt, hiệu quả của ngành cao hơn và góp phần tạo ra thương hiệu cho ngành tôm Việt Nam.

Đại diện VASEP cũng cho rằng, hàm lượng gia tăng giá trị từ sản phẩm tôm không chỉ đánh dấu khả năng cạnh tranh của sản phẩm ở cấp độ quốc gia, quốc tế, thương hiệu nguồn cung tốt mà đặc biệt giải quyết được bài toán lợi ích của các bên trong chuỗi cung cấp một cách dễ dàng hơn.

Đây là cơ sở chính để các bên liên quan trong chuỗi giá trị tiếp tục tái đầu tư, hoàn thiện công nghệ và phát triển mặt hàng mới.

[Ban hành kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm]

"Nâng chất” tôm Việt

Từ một quốc gia phải nhập khẩu tôm bố mẹ gần như 100%, thì lần đầu tiên trong năm 2017, Việt Nam chọn tạo và tự chủ được nguồn tôm bố mẹ trong nước bằng công nghệ vượt trội, cung ứng trên 25% nhu cầu tôm giống.

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Việt​-Úc, đơn vị nghiên cứu thực hiện thành công dự án này cho biết, với khả năng thích ứng hoàn toàn với thổ nhưỡng, khí hậu trong nước, như nhiệt độ thấp ở miền Bắc và Trung, độ mặn cao ở miền Tây, nguồn tôm giống này góp phần giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và hao hụt, giúp tôm nuôi đạt chất lượng cao cũng như tiết giảm chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển ​Nông thôn Vũ Văn Tám, để đạt được mục tiêu xuất khẩu tôm đến năm 2025 đạt 10 tỷ USD thì Việt Nam cần khoảng 500.000-600.000 con tôm bố mẹ.

Trong khi đó, nguồn lực sản xuất tôm bố mẹ ở trong nước hiện chỉ mới đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu trên.

Việc Tập đoàn Việt-Úc là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu chọn tạo giống tôm bố mẹ thành công sẽ là bước đột phá và đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ngành tôm trong thời gian tới.

Ngoài việc chủ động nguồn tôm bố mẹ, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, trong thời gian tới, ngành tôm sẽ đầu tư cho nghiên cứu khoa học, nhất là ở khâu con giống và các quy trình công nghệ.

Với việc Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về phát triển tôm tại Bạc Liêu vừa được đưa vào hoạt động hy vọng sẽ thúc đẩy mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho các tỉnh, thành trên cả nước.

Đáng chú ý, để nâng tầm tôm Việt, trong năm 2017, cùng với cá tra, tôm chính thức được Chính phủ phê duyệt là sản phẩm quốc gia và cần phải được đầu tư đẩy mạnh phát triển.

Bên cạnh đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025.

Mục tiêu là đưa ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.

Đây được xem là những “cú hích” quan trọng cho sự phát triển của ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới.

Các chuyên gia cho rằng, thực tế cho thấy, khoảng cách về khả năng nâng cao sản lượng và chất lượng tôm Việt với thế giới đang được rút ngắn, nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng.

Cùng định hướng phát triển như trên, nếu ngành tôm kiểm soát được vấn đề hóa chất, kháng sinh cũng như đảm bảo được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các yêu cầu về an toàn chất lượng ở các thị trường thì sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.