NanoDragon: Bước tiến mới của ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam

Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, sự kiện vệ tinh NanoDragon đã được phóng vào không gian một lần nữa chứng minh Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm chủ và phát triển ngành công nghiệp vũ trụ của riêng mình.
Trong ảnh: Phương tiện phóng Epsilon-5 mang theo vệ tinh NanoDragon đang bay vào vũ trụ. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)
Trong ảnh: Phương tiện phóng Epsilon-5 mang theo vệ tinh NanoDragon đang bay vào vũ trụ. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Sáng 9/11, vệ tinh NanoDragon do các kỹ sư Việt Nam chế tạo đã được phóng thành công vào vũ trụ từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura ở tỉnh Kagoshima (Nhật Bản) bằng tên lửa Epsilon-5.

Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới của ngành công nghiệp vũ trụ đầy non trẻ của Việt Nam. Với sự kiện này, Việt Nam đã có tên trong danh sách các quốc gia có khả năng tự chế tạo vệ tinh.

Không giấu được niềm vui và tự hào, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, người có mặt tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura để chứng kiến vụ phóng, chia sẻ: “Tôi rất vinh dự khi được đại diện Chính phủ Việt Nam tận mắt chứng kiến giây phút tên lửa Epsilon-5 ở Trung tâm Vũ trụ Uchinoura bắt đầu khởi động mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam vào không gian vũ trụ. Giây phút trọng đại này đã đi vào lịch sử, đánh dấu mốc trưởng thành mới của ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam.”

Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, sự kiện này một lần nữa chứng minh Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm chủ và phát triển ngành công nghiệp vũ trụ của riêng mình. Một ngành khoa học mới non trẻ nhưng đã phát triển nhanh là một điều kỳ diệu, làm nên niềm tự hào Việt Nam.

Trên thực tế, chế tạo vệ tinh là một lĩnh vực công nghệ cao và được coi là “biểu tượng sức mạnh công nghệ” của mỗi quốc gia. Vệ tinh không chỉ có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế, khoa học công nghệ mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như an ninh-quốc phòng hay chống biến đổi khí hậu. Riêng đối với Việt Nam - một nước có địa hình phức tạp, trải dài và biển rộng, việc có thể tự chế tạo vệ tinh càng cần thiết.

Vệ tinh sẽ giúp Việt Nam quản lý hiệu quả dữ liệu, từ đó phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp, quản lý rừng cũng như giúp quản lý rừng, biến đổi khí hậu, giám sát các hoạt động về an ninh-quốc phòng như quản lý biên giới, xây dựng nền tảng khoa học cơ bản của quốc gia.

Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ vệ tinh, năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ vũ trụ đến 2020.”

NanoDragon: Bước tiến mới của ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam ảnh 1Phương tiện phóng Epsilon-5 rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Mục tiêu của chiến lược này là đưa Việt Nam đạt trình độ trung bình khá trong khu vực. Trong nỗ lực đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược này và tiến tới làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ, tháng 9/2011, Chính phủ đã quyết định thành lập Trung tâm Vũ trụ quốc gia (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Chưa đầy hai năm sau đó, VNSC đã nghiên cứu và chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ “made in Vietnam” đầu tiên mang tên PicoDragon. Vệ tinh này có trọng lượng 1kg và được phóng thành công vào vũ trụ ngày 19/10/2013.

[Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã được phóng vào không gian]

PicoDragon đã hoạt động tương đối ổn định trong khoảng ba tháng, liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin "PicoDragon VietNam" đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.

Sau sản phẩm đầu tay đó, VNSC tiếp tục bắt tay vào chế tạo vệ tinh MicroDragon với khối lượng 50 kg. VNSC đã cử tổng cộng 36 kỹ sư tới 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản để tham gia khóa học thạc sỹ công nghệ vũ trụ.

Trong khóa học này, các kỹ sư Việt Nam đã tham gia thiết kế, chế tạo và thử nghiệm vệ tinh MicroDragon dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản.

Thông qua dự án mang tính đột phá này, các kỹ sư Việt Nam không những được tiếp thu những kiến thức cơ bản về công nghệ vệ tinh mà còn được trực tiếp tham gia thực hành chế tạo vệ tinh micro, qua đó tích lũy kinh nghiệm trong quy trình phát triển vệ tinh.

Ngày 18/1/2019, vệ tinh MicroDragon đã được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Epsilon-4 từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura. Hiện nay, MicroDragon đang hoạt động theo đúng mục tiêu đề ra.

Trên cơ sở kinh nghiệm tích lũy từ quá trình chế tạo các vệ tinh PicoDragon và MicroDragon, kể từ năm 2017 đến nay, VNSC đã nghiên cứu phát triển vệ tinh lớp nano dạng cubesat 3U có tên NanoDragon từ nguồn kinh phí của “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020.”

Khác với hai vệ tinh trước đây, toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh NanoDragon đều được các cán bộ nghiên cứu của VNSC thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam.

Với trọng lượng khoảng 4kg, NanoDragon có hai nhiệm vụ chính, là sử dụng một thiết bị chụp ảnh quang học để phục vụ quá trình xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo và tích hợp một bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Theo VNSC, NanoDragon sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560km.

Đánh giá về quá trình phát triển vệ tinh NanoDragon, Đại sứ Vũ Hồng Nam nhấn mạnh: “Việc tất cả các khâu trong quá trình chế tạo vệ tinh Nano Dragon, từ việc lên ý tưởng, thiết kế đến chạy vi mạch... đều do người Việt Nam thực hiện đã thể hiện sự trưởng thành và chủ động của chúng ta trên con đường từng bước làm chủ công nghệ sản xuất vệ tinh.”

Ngoài MicroDragon, hiện nay, VNSC đang thực hiện dự án chế tạo hệ thống vệ tinh LOTUSat-1, sử dụng công nghệ radar khẩu độ tổng hợp do tập đoàn NEC thiết kế, chế tạo.

Hệ thống vệ tinh LOTUSat-1 có khối lượng khoảng 570kg, có khả năng chụp ảnh Trái Đất với độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm.

NanoDragon: Bước tiến mới của ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam ảnh 2Radar theo dõi sự di chuyển của tên lửa tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Dữ liệu ảnh thu nhận từ vệ tinh LOTUSat-1 sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp những thông tin chính xác và kịp thời nhằm ứng phó, giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế–xã hội. LOTUSat-1 dự kiến sẽ được phóng vào vũ trụ cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, tiến tới làm chủ công nghệ tự sản xuất vệ tinh nhỏ của Việt Nam, cùng với việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ chế tạo vệ tinh, đào tạo nguồn nhân lực, VNSC đang đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ cho việc nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vệ tinh có trọng lượng đến 180kg.

Song song với việc tích lũy kinh nghiệm chế tạo vệ tinh, VNSC cũng chú trọng tới ứng dụng công nghệ vũ trụ.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ vũ trụ ở VNSC chủ yếu tập trung vào mảng viễn thám và GIS, sử dụng và khai thác các ưu thế của dữ liệu vệ tinh quan sát Trái Đất đem lại lợi ích kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng thông qua các ứng dụng được triển khai trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp (theo dõi lúa, hệ thống theo dõi thông tin nông nghiệp thông minh), lâm nghiệp (theo dõi nhanh về nguy cơ mất rừng), quy hoạch và quản lý đô thị (đánh giá biến động đô thị), quản lý khu vực ven biển (theo dõi sạt lở bờ biển), ứng phó với sự cố (theo dõi tràn dầu)...

Có thể thấy, mặc dù mới ra đời trong thời gian chưa lâu, nhưng ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên, con đường phát triển ngành công nghiệp vũ trụ ở Việt Nam vẫn còn đầy chông gai.

Vì vậy, VNSC nói riêng và ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam nói chung vẫn cần phải nỗ lực hết sức để hiện thực hóa khẩu hiệu “Nâng tầm giấc mơ của bạn” (Lift off your Dream). Vụ phóng vệ tinh NanoDragon ngày 9/11 sẽ là động lực để ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam tự tin trên con đường phía trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.