NATO xác nhận hủy bỏ kế hoạch thành lập quỹ hỗ trợ Ukraine 108 tỷ USD

Thay vì thành lập một quỹ trong 5 năm, Tổng Thư ký NATO sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên NATO duy trì các khoản đóng góp hiện nay cho Ukraine.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg, mới đây đã xác nhận việc từ bỏ kế hoạch thành lập quỹ hỗ trợ Ukraine 108 tỷ euro (108 tỷ USD).

Thay vì thành lập một quỹ trong 5 năm, ông Stoltenberg sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên NATO duy trì các khoản đóng góp hiện nay cho Ukraine.

Người đứng đầu NATO trước đó đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ các quốc gia thành viên của liên minh quân sự này.

Theo đề xuất mới, các nước đồng minh trong NATO sẽ cần chi ít nhất 40 tỷ euro (43,2 tỉ USD) mỗi năm cho viện trợ quân sự sát thương và phi sát thương cho Ukraine.

Các quốc gia thành viên NATO sẽ thảo luận về đề xuất này trong khuôn khổ cuộc họp vào tuần tới tại Brussels.

Số tiền trên sẽ bằng mức đóng góp trung bình hằng năm của các quốc gia thành viên NATO kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine.

NATO sẽ xác định số tiền đóng góp của mỗi quốc gia thành viên dựa trên tỷ lệ phần trăm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mục đích của đề xuất mới nhằm "tạo ra sự minh bạch hơn về những gì các đồng minh trao cho Ukraine."

Mỹ sẽ đóng góp khoảng một nửa tổng số viện trợ trên, trong khi một nửa là của 31 quốc gia thành viên còn lại.

Hôm 27/5, các đồng minh NATO đã yêu cầu Tổng Thư ký Stoltenberg làm rõ hơn về kế hoạch hỗ trợ Ukraine 100 tỉ USD.

Ngày 30/5, ông Stoltenberg đã đưa ra ý định yêu cầu các đồng minh phân bổ khoảng 40 tỷ euro mỗi năm để viện trợ cho Ukraine.

Một số quan chức NATO cho rằng số tiền này ít nhất sẽ duy trì được mức viện trợ quân sự hiện nay của NATO cho Kiev./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.