Neiman Marcus - Doanh nghiệp bán lẻ thứ hai của Mỹ nộp đơn xin phá sản

Neiman Marcus cho biết đã đạt được thỏa thuận với đa số chủ nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp và khoản nợ khi doanh nghiệp dần mở cửa lại các cửa hàng sau lệnh phong tỏa do COVID-19.
Một cửa hàng của Neiman Marcus. (Nguồn: Shutterstock)
Một cửa hàng của Neiman Marcus. (Nguồn: Shutterstock)

Ngày 7/5, Neiman Marcus trở thành doanh nghiệp bán lẻ lớn thứ hai của Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong tuần này vì các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến tình hình kinh doanh ngày một khó khăn. 

Doanh nghiệp bán lẻ hàng cao cấp có trụ sở ở Dallas này đã làm thủ tục tự nguyện theo Chương 11 của Luật phá sản tại Tòa án phá sản Mỹ ở Houston sau khi doanh nghiệp bán lẻ quần áo Mỹ J.Crew cũng đệ đơn xin phá sản ngày 4/5 vừa qua.

Neiman Marcus cho biết đã đạt được thỏa thuận với đa số chủ nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp và khoản nợ khi doanh nghiệp dần mở cửa lại các cửa hàng sau lệnh phong tỏa do COVID-19.

[Tập đoàn thời trang J. Crew của Mỹ đệ đơn xin bảo hộ phá sản]

Doanh nghiệp đã nhận được sự bảo đảm tài chính trị giá 675 triệu USD để thực hiện các hoạt động trong quá trình làm thủ tục phá sản.

Giám đốc điều hành, ông Geoffrey van Raemdonck cho biết thỏa thuận với các chủ nợ đã cung cấp tài chính bổ sung cho Neiman Marcus để hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đại dịch và góp phần linh hoạt tài chính để tăng tốc chuyển đổi doanh nghiệp.

Trong lúc chờ đợi, Neiman đang hoạt động manh mún, mở lại 10 cửa hàng trên phố và 2 cửa hàng chỉ hoạt động theo lịch hẹn. Doanh nghiệp gia hạn đóng cửa tạm thời các cửa hàng khác đến ngày 31/5.

Cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đã “đánh sập” hầu hết các doanh nghiệp không cung cấp các mặt hàng thiết yếu như tạp phẩm và thuốc men. Vì vậy, Neiman March và J. Crew được xem là rất dễ phá sản do phải gánh chịu nợ lớn.

S&P nhận định J.Crew phá sản là sự khởi đầu của nhiều doanh nghiệp phá sản trong giai đoạn sắp tới.

Các chuyên gia S&P cho rằng: “Việc đóng cửa kinh tế và tình trạng giãn cách xã hội kéo dài sẽ gây ra biến động lớn trong lĩnh vực bán lẻ vì ngành công nghiệp sẽ buộc phải giảm quy mô một cách có chủ đích và nhanh chóng phát triển hướng đến người tiêu dùng sau đại dịch"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.