Nelson Mandela: Người hùng mang dân chủ đến cho Nam Phi

Cố Thủ tướng Nelson Mandela là hiện thân của những phẩm giá cao quý và tốt đẹp nhất cho đến tận những giây phút sống cuối cùng.
Nelson Mandela: Người hùng mang dân chủ đến cho Nam Phi ảnh 1Cố Tổng thống Nelson Mandela. (Nguồn: ddfr.tv)

Trong cuộc trò chuyện về người anh hùng Nelson Mandela-cái tên mà nhắc đến thôi cũng đủ sức khiến hàng triệu người khắp thế giới ngả mũ kính phục, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi-Trung Đông, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Xã hội, PGS, TS Đỗ Đức Định nhiều lần nhấn mạnh đến nền dân chủ thực sự mà vị cố Tổng thống này đã mang đến cho nhân dân Nam Phi.

Và quả thực, Nelson Mandela chính là hiện thân của những phẩm giá cao quý và tốt đẹp nhất cho đến tận những giây phút sống cuối cùng, khi chỉ hai ngày trước khi qua đời, ông vẫn gắng sức tổ chức buổi lễ quyên góp tiền cho những trẻ em nghèo, đang phải điều trị bệnh ở ngay bệnh viện nơi ông nằm…

Chân dung người anh hùng

- Thưa PGS, TS Đỗ Đức Định, là một chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông-Châu Phi, ông đánh giá thế nào về con người và cuộc đời cố Tổng thống Nelson Mandela?

PGS, TS Đỗ Đức Định: Đây là con người có ý chí rất lớn. Ông ấy bắt đầu nổi lên từ khi là một trong những người đứng đầu phong trào thanh niên, sinh viên người da đen đấu tranh chống phân biệt chủng tộc thời Apartheid ở Nam Phi.

Mục đích cuộc đời ông là làm thay đổi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid, giành quyền cao hơn cho người da đen và người da màu, giúp họ không còn bị ngược đãi. Khi đó, 20-30% dân số người da trắng nhưng lại sở hữu tới 70-80% tài sản đất, còn 70-80% dân số người da đen và da màu chỉ sở hữu 20-30% tài sản xã hội Nam Phi lúc bấy giờ.

Người da trắng là những ông chủ của các đồn điền, nhà máy đất nước, người da đen chỉ làm thuê hoặc là nô lệ mà không có tiếng nói về chính trị. Vì muốn giành lại quyền lợi cho nhân dân của mình nên Nelson Mandela đã đứng lên đấu tranh.

- Tư tưởng đấu tranh chống chế độ Apartheid của người anh hùng Nelson Mandela thời đó thế nào, thưa ông?

PGS, TS Đỗ Đức Định: Để đấu tranh cho quyền lợi của “nhóm đa số,” bản thân ông Nelson Apartheid là người vô cùng kiên cường, đấu tranh đến cùng cho lý tưởng của mình dù có bị bắt vào tù nhiều lần, nhiều năm.

Tư tưởng của Nelson Mandela ở chỗ: Trong nước, ông muốn xây dựng Nam Phi thành một xã hội dân chủ, đa đảng, đảm bảo bình đẳng về quyền lợi cho mọi người, người da đen cũng như người da trắng. Chính vì thế, khi đấu tranh đến giai đoạn chế độ Apartheid gần sụp đổ, nhiều người lo ngại nếu chế độ của Nelson Mandela thắng sẽ có sự “phân biệt chủng tộc ngược.” Tức là trước đây, dưới chế độ Apartheid người da đen bị ngược đãi thì bây giờ chế độ của ông Nelson Mandela sẽ quay sang ngược đãi người da trắng.

Nhưng Nelson Mandela đã tuyên bố, đại ý rằng, tôi đảm bảo một đất nước dân chủ, tự do và hòa hợp dân tộc chứ không phân biệt chủng tộc ngược. Khi chúng tôi giành được chính quyền thì người da trắng vẫn có vị trí của họ, nhưng tất nhiên sẽ phải bớt đi những quyền lợi quá đáng như trước kia.

Nelson Mandela: Người hùng mang dân chủ đến cho Nam Phi ảnh 2Cựu tổng thống Clinton lắng nghe ông Mandela nói trong một buổi lễ tại Nhà Trắng hôm 4/10/1994. (Ảnh: Porter Binks, USA Today)
- Và Cộng hòa Nam Phi đã cho thế giới thấy một diện mạo hoàn toàn mới mẻ dưới thời Tổng thống Nelson Mandela?PGS, TS Đỗ Đức Định: Đúng vậy. Giành được chính quyền, Nelson Mandela tổ chức cuộc bầu cử dân chủ chưa từng có ở Nam Phi. Sau đó, ông nỗ lực khôi phục quan hệ với các nước thuộc khu vực Nam Phi, miền nam châu Phi và các nước thuộc các khu vực khác của châu Phi; mở lại quan hệ với các nước trên thế giới. Cố Tổng thống Nelson Mandela đã tổ chức bầu cử và lập ra các chính quyền ở các cấp từ tỉnh, huyện đến các xã và tổ chức lại toàn bộ bộ máy chính quyền khác với thời kỳ trước xây dựng. Trong chính quyền mới, tất cả người dân Nam Phi đều có quyền bầu cử, ứng cử, có quyền lập đa đảng; xây dựng Hiến pháp mới, trong đó kết tinh lại những tư tưởng chính của Nelson Mandela là đảm bảo hòa hợp dân tộc, pháp quyền, dân chủ, hội nhập quốc tế. Dân chủ dẫn lối cho “Rồng” Nam Phi- Thành tựu lớn nhất mà cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã làm được cho đất nước, cho nhân dân Nam Phi trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình là gì, thưa ông?PGS, TS Đỗ Đức Định: Về mặt chính quyền, ông Nelson Mandela đã xây dựng được một nhà nước Nam Phi dân chủ, pháp quyền, hòa hợp dân tộc trong nhiệm kỳ của mình. Về kinh tế, Nelson Mandela đưa Nam Phi trở thành nền kinh tế mới nổi, là “con rồng” lớn nhất châu Phi, một nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế theo đúng nghĩa. Ông khẳng định, tất cả người dân Nam Phi không phân biệt màu da đều có quyền sở hữu, bao gồm cả sở hữu tài sản riêng, sở hữu đất đai… Nelson Mandela có những biện pháp khuyến khích hoạt động kinh tế của người da đen, khuyến khích người da đen tham gia chính quyền. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng xã hội mới ông cũng nhận thức được rằng người da đen có một số nhược điểm, như từ thời Apartheid họ ít được học nên khi quản lý nhà nước đã bộc lộ những hạn chế. Trong những năm đầu tiên chính quyền mới gặp phải nhiều khó khăn. Vì thế, Tổng thống Nelson Mandela vẫn sử dụng người da trắng trong các cấp chính quyền để họ hỗ trợ người da đen quản lý, xây dựng đất nước.
Nelson Mandela: Người hùng mang dân chủ đến cho Nam Phi ảnh 3Ông Mandela đứng cùng Nữ hoàng Anh Elizabeth II vào ngày 9/7/1996, tại Cung điện Buckingham. (Nguồn: AP)
Chính quyền mới cũng đã giành ưu tiên cho những người da đen, yêu cầu những người da trắng không độc quyền đất đai nữa mà chuyển nhượng bớt cho người da đen với giá phải chăng, thực tế là rẻ hơn giá trị thật… Cũng nhờ những chính sách như vậy nên về sau người da trắng đã hiểu lại rằng, không có cái gọi là “phân biệt chủng tộc ngược.” Bởi ông Nelson Mandela đã cân bằng được các quyền lợi trong xã hội, đảm bảo sự công bằng; các thành phần tham gia nền kinh tế không phân biệt màu da. Xã hội mới đã không còn sự kỳ thị, đối lập và phân biệt màu da như thời Apartheid. Chính quyền ở các cấp đều có sự kết hợp giữa các chủng tộc màu da với những quyền lợi công bằng. Tất nhiên, không có gì tuyệt đối nhưng so với thời kỳ phân biệt chủng tộc Apartheid thì rõ ràng đã công bằng hơn. Về quan hệ quốc tế, Nelson Mandela đã tập trung khôi phục vị thế của Cộng hòa Nam Phi và giúp đất nước này trở thành quốc gia có vai trò rất lớn trong Cộng đồng các nước miền Nam châu Phi; nắm vị trí quan trọng và được tín nhiệm trong tổ chức Hợp tác châu Phi trước đây mà sau đổi thành Tổ chức Liên minh châu Phi như ngày nay; tham gia G20… Khi không còn làm Tổng thống nữa, Nelson Mandela vẫn tiếp tục có nhiều hỗ trợ quan trọng cho hai đời Tổng thống kế nhiệm và thực tế cựu Tổng thống Thabo Mbeki và Tổng thống đương nhiệm Jacob Gedleyihlekisa Zuma cũng đều đi theo và phát triển từ “con đường” của cố Tổng thống Nelson Mandela. - Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.