Nền kinh tế Eurozone đang có nguy cơ đối mặt suy thoái kép

Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế trưởng tại ING, cho biết khả năng nền kinh tế Eurozone đối mặt suy thoái kép, một đợt suy giảm nữa trong quý 2/2020, đã tăng đáng kể.
Nền kinh tế Eurozone đang có nguy cơ đối mặt suy thoái kép ảnh 1Một quán bar đóng cửa do dịch COVID-19 tại Turin, Italy ngày 16/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Châu Âu hiện đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, một lần nữa có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế khu vực này.

Nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) giảm 11,8% trong quý 2/2020, do bị tác động bởi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch COVID-19.

Giới chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế Eurozone sẽ phục hồi trong nửa cuối trong năm 2020 song hiện cũng đang hoài nghi về dự báo này.

Nhiều chính phủ hiện thông báo các biện pháp phong tỏa mới hoặc hạn chế việc mở cửa trở lại nền kinh tế, giữa bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng.

[Hoạt động kinh tế tại Eurozone đình trệ do sự bùng phát của COVID-19]

Phát biểu với hãng tin CNBC, Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế trưởng tại ING, cho biết khả năng nền kinh tế Eurozone đối mặt suy thoái kép, một đợt suy giảm nữa trong quý 2/2020, đã tăng đáng kể.

Chuyên gia này dự đoán khu vực này sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp phong tỏa nữa trong những tuần sắp tới, như tại Madrid, Tây Ban Nha và Lyon, Pháp.

Đồng quan điểm này, Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại IHS Markit, cũng cho rằng nền kinh tế Eurozone đang có nguy cơ đối mặt suy thoái kép.

Số liệu được công bố trong tuần này cho thấy đà hồi phục kinh tế tại Eurozone trong tháng 9/2020 đã chững lại. Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tại khu vực này đứng ở mức 50,1, nhỉnh hơn chút ít so với mức 50 là ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và thu hẹp.

Theo chuyên gia Williamson, các chính phủ sẽ triển khai nhiều biện pháp hạn chế hơn trong quý 4/2020 và điều này thực sự sẽ làm suy giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Về phần mình, Cathal Kennedy, chuyên gia kinh tế châu Âu tại RBC, cho rằng các biện pháp mới sẽ một lần nữa tác động tới lĩnh vực dịch vụ và điều này sẽ khiến hoạt động kinh doanh chậm lại trong những tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.