Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong quý đầu năm 2018

Tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế số một thế giới trong quý vừa qua đạt 2,3%, giảm so với mức tăng trưởng 2,9% trong quý 4/2017.
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong quý đầu năm 2018 ảnh 1Người dân mua sắm tại một siêu thị ở New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế Mỹ trong quý một năm nay tăng trưởng chậm lại, chủ yếu do xuất khẩu, chi tiêu tiêu dùng và hoạt động mua nhà của người dân đều giảm.

Theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/4, tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế số một thế giới này trong quý vừa qua đạt 2,3%, giảm so với mức tăng trưởng 2,9% trong quý 4/2017 song cao hơn mức dự báo 2% của các nhà kinh tế đưa ra trước đó.

Trong quý 1/2017, chi tiêu tiêu dùng, yếu tố đóng góp tới 70% hoạt động của nền kinh tế Mỹ, chỉ tăng 1,1% - mức thấp nhất trong vòng năm năm qua, sau khi nhảy vọt lên mức 4% trong quý trước đó.

Thống kê cho thấy người dân Mỹ ít mua sắm ôtô và quần áo hơn trong những tháng mùa Đông vừa qua, trong khi sức mua thực phẩm cũng yếu. Hoạt động mua sắm trang thiết bị của doanh nghiệp giảm xuống 4,7% so với mức tăng trưởng hai con số trong nửa cuối năm ngoái. Đầu tư vào lĩnh vực xây dựng không tăng cũng không giảm.

[Doanh số bán nhà tăng nhưng kinh tế Mỹ có dấu hiệu chững lại]

Trong khi đó, chi tiêu của chính phủ ở mức 1,2%, giảm so với mức 3% trong ba tháng cuối năm 2017. Giới phân tích dự đoán sang quý hai năm nay, Chính phủ Mỹ sẽ nới lỏng "hầu bao" do Quốc hội vừa thông qua quyết định tăng ngân sách liên bang.

Giới chuyên gia dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại trong quý tiếp theo khi các hộ gia đình bắt đầu nhận thấy những lợi ích của chính sách thuế mới và mạnh tay chi tiêu. Theo đó, thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp thấp hơn sẽ giúp nền kinh tế đầu tàu thế giới đạt mức tăng trưởng mục tiêu 3%.

Ngoài ra, các số liệu mới công bố của Bộ Thương mại Mỹ, cộng với báo cáo công bố cùng ngày về tăng trưởng tiền lương và giá cả tiêu dùng, có thể sẽ tạo sức ép khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ, mặc dù Ngân hàng Trung ương Mỹ được dự báo sẽ không tăng lãi suất cơ bản trong cuộc họp vào tuần tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.