Nền kinh tế Mỹ tiếp tục xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực

Sản xuất công nghiệp mở rộng và chênh lệch cán cân thu chi ngân sách, xuất nhập khẩu giảm là những dấu hiệu tích cực của kinh tế Mỹ.
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Khu vực sản xuất của nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhất là sản xuất ôtô, trong tháng 7/2014 tiếp tục mở rộng trong khi mức chênh lệch trong cán cân thu chi ngân sách và xuất nhập khẩu đều giảm. Đó là những dấu hiệu cho thấy chiều hướng phát triển khả quan trong quý ba của kinh tế Mỹ.

Dẫn số liệu công bố ngày 15/8 của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết hoạt động của các nhà máy, thước đo về chỉ số sử dụng nguồn lực của nền kinh tế, trong tháng Bảy vừa qua tăng 1,0% so với mức tăng chỉ đạt 0,3% trong tháng trước đó, trong đó riêng khu vực sản xuất công nghiệp tăng 4,0%.

Hoạt động sản xuất của các công xưởng chế tạo ôtô trong tháng tăng tới 10,1%. Đây là mức tăng lớn nhất của các nhà máy chế tạo ôtô kể từ tháng 7/2009. Hoạt động chế tạo máy móc, máy tính và hàng hóa điện tử trong tháng Bảy cũng đồng loạt tăng, báo hiệu bức tranh phát triển vẫn tốt đẹp của nền kinh tế Mỹ trong quý 3/2014.

Tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 2 đạt 4,0%. Các chuyên gia dự báo, GDP của Mỹ trong quý 3 có thể đạt từ 2,5% đến 3,0%.

Tuy nhiên, có một biểu hiện trái chiều là niềm tin của người tiêu dùng Mỹ ở thời điểm đầu tháng Tám chỉ còn ở mức 79,2 điểm so với 81,8 điểm trong tháng Bảy và đây là chỉ số niềm tin thấp nhất ở Mỹ trong 9 tháng qua.

Cũng trong tháng Bảy, mức thâm hụt trong cán cân thu chi ngân sách của Mỹ tiếp tục giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ ở mức 94,6 tỷ USD.

Như vậy, trong 10 tháng của tài khóa 2014, tính từ tháng 10/2013, thâm hụt thu chi ngân sách của chính phủ liên bang Mỹ chỉ là 470 tỷ USD, giảm 24% so với mức thâm hụt 607 tỷ USD cùng kỳ tài khóa 2013.

Phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự báo tổng thâm hụt ngân sách của Mỹ trong cả tài khóa 2014 có thể chỉ ở mức 500 tỷ USD so với 680 tỷ USD trong tài khóa trước. Đây sẽ là mức chênh lệch thu chi thấp nhất của Mỹ kể từ năm 2008, khi thâm hụt ngân sách ở mức thấp kỷ lục gần 460 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.