Nền kinh tế Thái Lan dưới bóng Nhà Vua Bhumibol Adulyadej

Nhà vua Bhuminol đã dần vượt ra khỏi vai trò nghi lễ của một vị quốc vương trong chế độ quân chủ lập hiến để gây dựng tầm ảnh hưởng, đóng vai trò rất quan trọng đối với lịch sử hiện đại của Thái Lan.
Nền kinh tế Thái Lan dưới bóng Nhà Vua Bhumibol Adulyadej ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Nhà Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej vừa qua đời ở tuổi 88. Tình cảm tiếc thương vô cùng sâu sắc mà người dân Thái Lan dành cho ông được lý giải là sự tri ân đối với những đóng góp to lớn của ông cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước suốt nhiều thập kỷ qua. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, sẽ rất khó có ai bù đắp được khoảng trống về tinh thần mà ông để lại cho đất nước Chùa Vàng.

Tại quốc gia Đông Nam Á có hơn 60 triệu dân này, ngay khi Vua Bhumibol còn sống, người dân đã xem ông như một biểu tượng. Những bức chân dung to hơn người thật của Nhà vua được treo tại nơi trang trọng trong các gia đình, các đại sảnh, toà nhà văn phòng, đầu mối giao thông như một minh chứng cho vị trí của ông trong đời sống xã hội Thái Lan.

Đáng nói là theo thể chế quân chủ lập hiến mà Thái Lan đã áp dụng từ năm 1932, Nhà vua Thái Lan không có vai trò điều hành đất nước, không can thiệp vào chính trị. Thế nhưng kể từ khi chính thức lên ngôi năm 1950, Nhà vua Bhuminol đã dần vượt ra khỏi vai trò nghi lễ của một vị quốc vương trong chế độ quân chủ lập hiến để gây dựng tầm ảnh hưởng, đóng vai trò rất quan trọng đối với lịch sử hiện đại của đất nước Thái Lan.

Từ các dự án phát triển

Là một người được hấp thu kiến thức khoa học, kinh tế và tổ chức của Âu-Mỹ, Nhà vua Bhumibol đã vận dụng rất tốt các ý tưởng phát triển trên cơ sở tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ và tổ chức quản lý tiên tiến. Ông thực sự đã dành nhiều thời gian, công sức và tiền của để triển khai, áp dụng các chương trình phát triển.

Hơn 3.000 dự án phát triển được triển khai trong suốt triều đại Bhumibol làm thay đổi cuộc sống hàng triệu nông dân nghèo là kết quả của những công trình nghiên cứu nghiêm túc có tham vấn kỹ càng với các chuyên gia cũng như xét đến nhu cầu thực tế của người dân và mang đến những đổi thay hiệu quả trong cuộc sống của họ. Những dự án đáng chú ý như nghiên cứu và triển khai công nghệ làm mưa nhân tạo để chống hạn hán, dự án nông nghiệp bền vững và đa dạng hóa sinh kế cho người vùng cao, dự án lọc sạch nước sinh hoạt, dự án năng lượng sạch, dự án đập nước nhỏ liên hoàn điều tiết thủy lợi.

Ông đã biến cung điện Chitralada rộng lớn của mình thành nơi ông có thể tiến hành nhiều thí nghiệm và thực hiện hàng loạt các đề án về nông nghiệp, thủy lợi. Nhà vua cũng lập ra các trung tâm nghiên cứu phát triển trên khắp đất nước, có nhiệm vụ nghiên cứu các chiến lược phát triển phù hợp với từng địa phương.

Khi lên ngôi, Nhà vua Bhumibol thề sẽ "cai trị quốc gia bằng sự công bằng, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân". Và ông đã chứng minh rằng đó không chỉ là lời hứa suông. Thái Lan dưới sự trị vì của ông chuyển mình từ một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trở thành nền kinh tế công nghiệp và thương mại hiện đại với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.

…đến triết lý kinh tế vừa đủ

Cũng từ những năm 1970, Quốc vương Bhumibol đã khuyến khích phát triển mô hình “kinh tế vừa đủ” (sufficiency economy). Theo lý giải của một số chuyên gia, do là người theo đạo Phật nên triết lý kinh tế của Nhà vua cũng mang tinh thần “biết đủ” của Phật giáo.

Nhà vua Bhumibol từng chia sẻ về triết lý kinh tế này của mình như sau: “Phát triển kinh tế phải thực hiện từng bước một. Nó phải bắt đầu bằng việc tăng cường các nền tảng kinh tế của chúng ta, bằng cách phải đảm bảo phần lớn dân số đủ sống… Khi một tiến trình đã đạt được, chúng ta nên bắt tay vào những bước tiếp theo, thông qua việc theo đuổi các cấp độ cao cấp hơn của việc phát triển kinh tế.” 

Mô hình “kinh tế vừa đủ” dựa trên như cầu tiêu dùng điều độ, có chừng mực, sự tự chủ và khả năng tự miễn dịch với sự bất ổn từ bên ngoài: không để bị ảnh hưởng bởi các vấn đề quốc tế về kinh tế, năng lượng, chính trị, ngoại giao. Nó được gọi là “học thuyết mới về nông nghiệp.” Học thuyết này dựa vào các nguyên tắc đa dạng hóa trồng trọt, tiêu thụ có chừng mực, hợp lý. Nền nông nghiệp mà nhà vua phát triển là nền nông nghiệp bền vững bổ trợ cho các nền nông nghiệp sinh học, nông-lâm nghiệp.

Vua Bhumibol từng nhấn mạnh: “Là một con hổ kinh tế không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta phải có một nền kinh tế vừa đủ. Một nền kinh tế vừa đủ có nghĩa là phải có đủ lực để hỗ trợ chính mình. Chúng ta phải có một bước chuẩn bị cẩn trọng; mỗi làng, mỗi huyện phải tự túc được cho mình.” 

Những năm gần đây, khái niệm “Nền kinh tế vừa đủ” được nhắc đến rất nhiều trong các cuộc hội thảo, hội nghị và diễn đàn quốc tế. Phát triển nông nghiệp theo mô hình triết lý kinh tế vừa đủ được hình thành từ nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej có sức lan tỏa mạnh tới nhiều quốc gia khác trong khu vực. Đã có nhiều nước cử người đến học tập kinh nghiệm này. Thái Lan cũng ra sức quảng bá quan điểm này tại các diễn đàn quốc tế và xem đó là một sự đóng góp độc đáo của nước này cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng quốc tế.

Cho tới nay, nhiều ý tưởng của Quốc vương Bhumibol về phát triển bền vững đã được các tổ chức quốc tế vinh danh. Tháng 6/2006, Nhà vua Bhumibol Abdulyadej đã được Tổng Thư ký Liên hợp quốc lúc bấy giờ Kofi Annan trao tặng "Huy chương Thành quả trọn đời vì Phát triển nhân loại." 

Kinh tế Thái Lan hậu Bhumibol

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng nền kinh tế Thái Lan có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cái chết của Nhà vua Bhumibol. Nhưng dường như các lo lắng đó đã bị phóng đại.

Những tháng gần đây, khi sức khỏe nhà vua Thái Lan bắt đầu diễn biến xấu, đã nảy sinh tâm lý lo ngại rằng hoạt động của thị trường tài chính và doanh nghiệp nước ngoài tại Thái Lan sẽ bị gián đoạn, dẫn đến xáo trộn trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu, giống như những gì đã xảy ra sau trận lụt lịch sử năm 2011.

Hiện nhiều hãng ôtô, công ty điện tử và nhà sản xuất lớn của thế giới đặt nhà máy tại Thái Lan, trong đó ước tính khoảng 4.500 doanh nghiệp Nhật Bản và ngoài ra còn hàng nghìn doanh nghiệp các nước khác.

Thế nhưng hôm 14/10, một ngày sau khi thông tin nhà vua Bhumibol Adulyadej băng hà, các tổ chức tài chính, công ty bán lẻ và dịch vụ mở cửa hoạt động bình thường. Thị trường chứng khoán vẫn mở cửa, chỉ số SET của Thị trường chứng khoán Thái Lan chốt phiên tăng 4,6%. Đồng bath Thái vẫn giữ đà đi lên.

Mặt khác, theo đánh giá của RHB Capital Bhd, sự kiện Nhà vua Bhumibol băng hà có thể không gây tác động đáng kể đến ngành du lịch Thái Lan hiện chiếm tới 10% GDP. Lý do là vì du khách thế giới khá “miễn dịch” với những diễn biến chính trị tại quốc gia này. Tổ chức phân tích tài chính trên còn ước tính đất nước Chùa Vàng sẽ đón 33 triệu khách trong năm nay và 36 triệu vào năm 2017.

Cuộc khủng hoảng chính trị gần nhất của Thái Lan là trước cuộc đảo chính năm 2014. Trong năm đó, kinh tế suy giảm 0,8%, tiêu dùng và đầu tư cá nhân sụt giảm mạnh. Tuy vậy, kinh tế Thái Lan đã hồi phục và tăng trưởng ước đạt từ 3 đến 3,5% trong năm 2016 nhờ vào các biện pháp kích thích kinh tế hết sức nỗ lực của Chính phủ Thái Lan.

Song dù đã phục hồi, nhưng sẽ còn lâu để Thái Lan lấy lại tốc độ tăng trưởng kinh tế 5% mà nước này từng có trong khoảng thời gian dài trước khi các bất ổn chính trị xảy ra. Và điều quan trọng nhất, sự cân bằng trong quan hệ giữa Hoàng gia và quân đội vốn được duy trì tốt dưới thời nhà vua quá cố có thể bị phá vỡ. Đó có thể là một nguy cơ trong dài hạn cho chính trị và kinh tế của Thái Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.