Ngày 31/3, Nhật Bản đã công bố các số liệu tích cực “hiếm hoi” đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này, trong đó tỷ lệ lạm phát và sản lượng công nghiệp đều tăng, còn lệ thất nghiệp rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Theo số liệu từ chính phủ, Chỉ số giá tiêu dùng cơ bản tại “Xứ Phù tang” (không bao gồm thực phẩm tươi sống) đã tăng 0,2% trong tháng Hai, mức tăng cao nhất trong gần hai năm.
Tuy vậy, con số đó vẫn còn xa mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản đề ra.
Cũng trong tháng Hai, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản tăng 2%, cao hơn mức dự kiến trước đó; tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 3% trong tháng trước đó xuống 2,8%, ghi nhận mức thấp nhất kể từ thập niên 1990.
Các số liệu này là “tin tức tốt lành” đối với nền kinh tế Nhật Bản hiện đang chật vật phục hồi.
Hiện nay, Nhật Bản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, do tình trạng giảm phát kéo dài nhiều năm và tăng trưởng “uể oải.”
Kể từ khi lên nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tung ra kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mang tên Abenomics.
Tuy nhiên, kế hoạch này mới chỉ tạo đà phục hồi cho thị trường chứng khoán và gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp, song lại chưa mang lại hiệu quả thực sự cho toàn bộ nền kinh tế.
Kinh tế Nhật Bản đã suy thoái trong 3 tháng cuối năm 2015, trước khi tăng trưởng trở lại vào năm 2016 dù đà phục hồi rất mong manh.
Thực tế này đặt giới chức Nhật Bản trước sức ép ngày càng lớn trong quá trình nỗ lực thực thi chính sách kinh tế may tham vọng của Thủ tướng Shinzo Abe.
Kế hoạch này là sự kết hợp của một loạt các biện pháp nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu công cùng với các cải cách nền kinh tế, nhưng đến nay hiệu quả của Abenomics chưa được như chờ đợi.
Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) đã phải lùi mốc đạt mục tiêu lạm phát tăng 2% vào tháng 3/2019, chậm hơn 4 năm so với kế hoạch ban đầu./.