Chiều 29/5, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Đánh giá cao về dự án này, song nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn về một số điều khoản.
Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh nếu chúng ta có sản phẩm du lịch tốt thì dù ở “hang cùng ngõ hẻm” nào du khách cũng tìm tới.
- Thưa ông, trong những năm qua dù ngành du lịch Việt Nam đã phát triển nhiều mặt song vẫn bộc lộ nhiều khuyết điểm và Luật Du lịch (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ khắc phục những nhược điểm trên. Ông nghĩ thế nào về chiến lược phát triển của du lịch của chúng ta nếu dự thảo luật này được thông qua?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Đạo luật này thể hiện chiến lược phát triển du lịch mà Đảng ta đã đề ra. Nó đưa ra cơ sở pháp lý mang tính chất nền tảng để tạo ra những bước đột phá cho cơ chế phát triển du lịch và đồng thời cũng quản lý du lịch.
[Du lịch Việt Nam 2017: “Có thực mới vực được… hoàn cảnh”]
Cụ thể, luật này tạo ra cơ sở pháp lý nền tảng để các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào du lịch. Khi luật rõ ràng, người ta có cơ sở pháp lý tổ chức hoạt động như việc muốn có chỗ đứng thì phải làm theo tiêu chuẩn nào? Chính sách của Nhà nước hỗ trợ ra sao? Trách nhiệm của họ đến đâu…?
Luật cũng tiếp tục khẳng định vai trò của Hiệp hội du lịch; Nhà nước sẽ tạo ra những cơ chế phù hợp để thúc đẩy du lịch phát triển, bảo vệ du lịch…
- Ông trăn trở nhất về điểm nào trong dự thảo Luật Du lịch được trình trong kỳ họp?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tại điểm d, khoản 4 Điều 68 Dự thảo có quy định trao cho hiệp hội đứng ra để hòa giải các tranh chấp giữa khách du lịch và hội viên, doanh nghiệp. Tôi cho rằng điều khoản, quy định này không phù hợp.
Tôi rất băn khoăn và không hiểu quy định này xuất phát từ đâu. Hiệp hội có thẩm quyền gì để giải quyết tranh chấp? Nó có nằm trong hệ thống các cơ quan giải quyết tranh chấp của Việt Nam hay không? Hòa giải này có giá trị gì đối với hệ thống hòa giải của Việt Nam?
Chúng ta có Luật Hòa giải ở cơ sở, chúng ta có hòa giải trong tố tụng thì vai trò của hòa giải trong Luật Du lịch là gì, có có kết nối với Bộ luật Tố tụng dân sự không? Bởi nếu là hòa giải cộng đồng đã được công nhận thì có thể đưa kết quả lên tòa án. Và khi được tòa công nhận thì coi đó như một bản án, được đưa vào quá trình thi hành án bắt buộc.
Đó là lý do khiến tôi không hiểu tại sao lại quy định thẩm quyền hòa giải ở Hiệp hội. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lại điểm này.
- Có ý kiến cho rằng, thủ tục cấp visa của chúng ta còn bất cập, gây hạn chế cho khách du lịch. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi nghĩ việc nới lỏng visa để phát triển du lịch chỉ là một vấn đề. Đầu tiên, chúng ta phải chú trọng tới khách nội địa. Họ là những người có thể đi du lịch hằng tuần và chúng ta phải phục vụ họ đầu tiên.
Đối với khách nước ngoài, để thu hút thì có nhiều biện pháp và tôi cho rằng việc có visa hay không không phải là điều căn bản.
[Việt Nam tăng 8 bậc xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu]
“Hữu xạ tự nhiên hương,” tôi nghĩ, một sản phẩm du lịch tốt, các tiện ích tốt, thái độ tác phong tốt, làm hài lòng du khách thì cho dù ở bất kỳ hang cùng ngõ hẻm nào người ta cũng sẽ tìm đến.
Bên cạnh đó, vấn đề cấp visa hay không còn liên quan tới an ninh quốc gia. Nếu chúng ta chỉ phát triển du lịch mà không quan tâm tới an ninh quốc gia thì có thể gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
- Thưa đại biểu, lại có ý kiến cho rằng hiện chúng ta chưa có biểu tượng du lịch, trong khi ở nhiều quốc gia, điều này đã được thể hiện rõ ràng…?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Đó là ý kiến đúng. Thương hiệu đôi khi vô hình nhưng nó có thể rất hữu hình. Anh cứ nói đi du lịch ở nước này tốt, kia tốt nhưng người ta phải hiểu rõ ở đó có cái gì. Và, du khách thường tự hào về những cái độc đáo mà họ đã đến.
Tôi lấy ví dụ, nếu chúng ta có thể quảng bá được vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng… thì sẽ tăng thêm nhiều cơ hội hút du khách nước ngoài. Họ đến, chúng ta sẽ thu hút được ngoại tệ và cũng qua họ để quảng bá mạnh mẽ hơn du lịch của Việt Nam ra bạn bè thế giới…
- Xin cảm ơn đại biểu!