Ngày 25/7, bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), cho biết Vietravel đã trình hồ sơ dự án đầu tư vận tải hàng không về Hãng hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên-Huế để xin phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên-Huế đã gửi hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các các cơ quan liên quan để triển khai các bước tiếp theo xin cấp phép thành lập Hãng hàng không Vietravel Airlines.
Để chuẩn bị cho quá trình vận hành và khai thác Vietravel Airlines nếu được cấp phép bay, bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, cho biết về nguồn nhân lực, Vietravel đã mua lại cổ phần Trường cao đẳng quốc tế Kent (Kent International College - trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh), một đơn vị đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nhân lực chuyên ngành hàng không và sẽ là cơ sở đào tạo quan trọng cho nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của Vietravel Airlines.
Bên cạnh đó, Vietravel Airlines cũng đã làm việc với các tổ chức cung cấp nguồn nhân lực chuyên ngành hàng không, đặc biệt là lực lượng phi công, thợ bảo dưỡng tàu bay cho Vietravel Airlines.
“Về kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực sắp tới, Vietravel Airlines dự kiến sẽ tuyển dụng và gửi đi đào tạo các phi công cơ bản tại các cơ sở được Cục Hàng không Việt Nam công nhận hoặc chấp nhận. Nhân viên kỹ thuật, thợ bảo dưỡng tàu bay, tiếp viên, nhân viên mặt đất phụ vụ chuyến bay… sẽ được tuyển dụng và đào tạo thông qua hệ thống đào tạo của Trường cao đẳng quốc tế Kent và các cơ sở đào tạo khác nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho Vietravel Airlines khi đưa vào khai thác," bà Trương Thị Thu Giang thông tin.
[Thừa Thiên-Huế phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn]
Về thị phần mà Vietravel Airlines tập trung vào khai thác, bà Trương Thị Thu Giang cho rằng, với lợi thế là công ty mẹ là doanh nghiệp lữ hành hàng đầu của Việt Nam hiện nay, Vietravel Airlines sẽ tập trung vào thị phần khách du lịch của chính Vietravel cũng như khách du lịch trong và ngoài nước.
“Vietravel Airlines đặt mục tiêu cung cấp khoảng 55% ghế, tải của mình cho công ty mẹ Vietravel để đáp ứng khoảng từ 35-40% nhu cầu hành khách du lịch bằng đường hàng không của hãng. Còn từ 60-65% nhu cầu còn lại, Vietravel sẽ tiếp tục sử dụng lịch bay thường lệ của các hãng hàng không khác. Khoảng 45% ghế, tải còn lại Vietravel Airlines sẽ cung ứng cho các công ty du lịch và các khách hàng khác trên các đường bay thuê chuyến," bà Trương Thị Thu Giang cho hay.
Đối với đường bay trong nước, Vietravel Airlines chủ trương chọn các công ty hàng không thứ cấp ở các điểm đến như Chu Lai cho khu vực Đà Nẵng-Quảng Nam-Quảng Ngãi; Vân Đồn và Hải Phòng cho khu vực Quảng Ninh-Hà Nội-Hải Phòng; Cần Thơ cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tránh ùn tắc.
Với đường bay quốc tế sẽ được gắn với tuyến du lịch quốc tế của Vietravel bằng đường hàng không. Mạng đường bay sẽ từ Việt Nam đi các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Singapore….; các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc…; các nước Tây Nam Á như Ấn Độ, đảo Maldives.
Vietravel cũng phấn đấu từ năm thứ tư, kể từ ngày được bay thương mại, mạng đường bay của Vietravel Airlines sẽ mở rộng sang Trung Đông, Australia và Newzeland; Nga, Anh, Pháp… tại châu Âu và thị trường Bắc Mỹ.
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân diễn ra hồi đầu tháng Năm vừa qua, Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định, doanh nghiệp của mình đi theo xu hướng toàn cầu khi các doanh nghiệp lữ hành lớn đều đầu tư hãng bay riêng.
Thời gian vừa qua, Vietravel đã thực hiện nhiều chuyến bay thuê chuyến theo diện hợp đồng thuê bao với các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific. Tính riêng năm 2018, số chuyến bay thuê chuyến của Vietravel đã thực hiện là gần 300 chuyến.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, vận chuyển bằng đường hàng không chiếm tỷ trọng rất cao trong ngành lữ hành và doanh nghiệp sẽ gặp khó với những điểm đến du lịch không có đường bay thẳng. Do đó, hành khách phải quá cảnh, thời gian hành trình dài ra, tần suất tổ chức tour thấp, chi phí dịch vụ cao, doanh nghiệp bị động. Đây là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp lữ hành phải nghiên cứu kế hoạch dài hạn để gia nhập vào thị trường hàng không.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại thị trường Việt Nam đang có 68 hãng hàng không nước ngoài (đến từ 25 nước và vùng lãnh thổ) và năm hãng nội địa (Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar, Vasco, Bamboo Airways).
Mới đây nhất là Vietstar Airlines cũng đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép bay./.