Nga áp dụng các biện pháp đáp trả kinh tế đối với Ukraine

Kể từ ngày 1/1/2016 Nga sẽ áp dụng chế độ thuế nhập khẩu đối với Ukraine theo biểu thuế chung của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAES).
Nga áp dụng các biện pháp đáp trả kinh tế đối với Ukraine ảnh 1Một siêu thị tại Ukraine. (Nguồn: 123rf.com)

Ngày 21/12, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thông báo đã ký quyết định áp dụng quy chế tối huệ quốc (MFN) thay vì hiệp định khu vực thương mại tự do với Ukraine, cũng như áp dụng các biện pháp đáp trả kinh tế đối với nước láng giềng này từ đầu năm 2016.

Tại cuộc họp với các phó Thủ tướng, ông Medvedev cho biết, kể từ ngày 1/1/2016 Nga sẽ áp dụng chế độ thuế nhập khẩu đối với Ukraine theo biểu thuế chung của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAES), có nghĩa là Ukraine sẽ hưởng quy chế tối huệ quốc mà không còn bất cứ ưu đãi hay ngoại lệ nào như trước đây.

Cũng từ 1/1/2016, Nga sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả với Ukraine trong lĩnh vực kinh tế do nước này đã tham gia các biện pháp trừng phạt Nga của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Thủ tướng Nga giải thích, cho đến nay, theo hiệp định khu vực thương mại tự do giữa Nga và Ukraine, mọi hàng hóa Ukraine, trừ đường, không phải chịu thuế khi nhập khẩu vào Nga, song từ năm 2016, Ukraine triển khai nội dung kinh tế của hiệp định liên kết Ukraine-EU, mở cửa thị trường Ukraine cho hàng hóa từ EU, do đó Moskva phải bảo vệ thị trường cũng như các nhà sản xuất trong nước và không cho phép hàng hóa nước khác nhập vào Nga dưới danh nghĩa là hàng Ukraine.

Ông Medvedev cho biết phía Nga đã nhiều lần khuyến cáo Chính phủ Ukraine rằng thỏa thuận liên kết với EU ở nội dung kinh tế sẽ động chạm đến quyền lợi của Nga. Các bên đã tiến hành các vòng đàm phán về việc này, song không đạt kết quả.

Ngày 16/12 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh đình chỉ hiệp định khu vực thương mại tự do với Ukraine kể từ ngày 1/1/2016.

Ukraine và EU ký hiệp định liên kết ngày 27/6/2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.