Nga cảnh báo đáp trả nếu Kiev chiết xuất khí đốt sang EU

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo sẽ đáp trả nếu Kiev còn chiết xuất khí đốt trong các đường ống dẫn từ Nga qua Ukraine sang các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Nga cảnh báo đáp trả nếu Kiev chiết xuất khí đốt sang EU ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/10 nhấn mạnh Moskva sẽ không tạo ra một cuộc khủng hoảng năng lượng khí đốt mới ở châu Âu, nhưng cảnh báo sẽ đáp trả nếu Kiev còn chiết xuất khí đốt trong các đường ống dẫn từ Nga qua Ukraine sang các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Serbia, Thủ tướng Aleksandar Vucic và Tổng thống Tomislav Nikolic, ông Putin nói: "Nga không muốn gây ra bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào trong mùa Đông này. Nga luôn là một nhà sản xuất năng lượng đáng tin cậy. Chúng tôi có đủ nguồn lực để cung cấp đủ nhu cầu khí đốt cho chính mình cũng như các đối tác ở châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, có nguy cơ rất lớn từ các đường ống dẫn khí trung chuyển. Nếu Moskva phát hiện đối tác Ukraine lấy khí đốt từ các đường ống dẫn khí đốt mà không được phép của Nga, chúng tôi sẽ giảm lượng khí đốt chuyển qua các đường ống dẫn này."

Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng nói thêm ông hy vọng vấn đề trên sẽ được giải quyết trong hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) đang diễn ra, nơi ông Putin sẽ có cuộc gặp với một loạt các nhà lãnh đạo châu Âu trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Italy Giorgio Napolitano.

Hiện nay, nhiều thông tin nói rằng Kiev có thể sẽ phải chiết xuất khí đốt từ các đường ống dẫn khí mà Nga cung cấp cho EU qua Ukraine để đảm bảo khí đốt cho nước này trong mùa Đông năm nay.

Tranh cãi liên quan đến vấn đề khí đốt giữa Nga và Ukraine một lần nữa lại đặt ra nguy cơ về nguồn cung đối với châu Âu như năm 2009 khi mùa Đông đang đến gần. Theo một báo cáo của EU được công bố ngày 16/10 tại Brussels (Bỉ), nếu Nga tạm ngừng xuất khẩu khí đốt sang khu vực này, các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là Macedonia, Phần Lan, Estonia, Bosnia & Herzegovina và Serbia. Các nước này hiện phụ thuộc vào khoảng 60% lượng khí đốt nhập khẩu.

Tuy nhiên, báo cáo trên của EU cũng cho rằng, mặc dù châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề khi nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn, nếu các thành viên của EU hợp tác với nhau và cho phép các lực lượng thị trường hoạt động lâu nhất có thể, các hộ gia đình và công ty có thể sẽ nhận được nhiều khí đốt hơn.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách vấn đề năng lượng Gunther H. Oettinger cho biết: "Qua lần đầu tiên, chúng ta đã có một bức tranh toàn cảnh về những nguy cơ và giải pháp tiềm năng. Nếu chúng ta hợp tác với nhau, không một gia đình nào ở châu Âu phải chịu cảnh giá lạnh vào mùa Đông này."

EU hiện nhập khẩu 53% năng lượng mà các nước này tiêu thụ, bao gồm dầu thô (gần 90%), khí đốt tự nhiên (66%), nhiên liệu rắn (42%), cũng như nhiên liệu hạt nhân (40%). Nga đang là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho EU với tổng lượng cung ứng chiếm hơn 30% nhu cầu dầu mỏ và khí đốt của liên minh này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.