Nga cảnh báo EU về hậu quả của quyết định cấm vận dầu mỏ

Nga cảnh báo quyết định của Liên minh châu Âu (EU) về cấm vận dầu mỏ của Nga có thể làm mất ổn định thị trường năng lượng toàn cầu, đồng thời cho rằng đây là bước đi phản tác dụng của liên minh này.
Nga cảnh báo EU về hậu quả của quyết định cấm vận dầu mỏ ảnh 1Công nhân vận hành đường ống dẫn khí đốt của Nga. (Ảnh: Bloomberg/TTXVN)

Ngày 2/6, Nga cảnh báo quyết định của Liên minh châu Âu (EU) về cấm vận dầu mỏ của Nga có thể làm mất ổn định thị trường năng lượng toàn cầu, đồng thời cho rằng đây là bước đi phản tác dụng của liên minh này. 

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh quyết định của EU về việc dần loại bỏ dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga, cũng như cấm cung cấp bảo hiểm đối với các tàu chở dầu của Nga, có thể càng khiến giá cả gia tăng, gây bất ổn cho thị trường năng lượng, đồng thời làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Nga cũng cho rằng hành động này của EU cũng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của liên minh. 

Bộ Ngoại giao Nga còn cho rằng EU và Mỹ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nguy cơ làm trầm trọng thêm vấn đề năng lượng và lương thực toàn cầu vốn do các hành động bất hợp pháp của EU gây ra.

[EU thông báo chi tiết về giai đoạn trừng phạt nhằm vào dầu mỏ Nga]

Sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2, các nước phương Tây đã áp dụng nhiều vòng trừng phạt nhằm cô lập các lĩnh vực tài chính và kinh tế của Nga.

Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra đầu tuần này, các lãnh đạo EU đã nhất trí cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, tiến tới cắt 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga sang khối này vào cuối năm nay. 

Hiện nay, hơn 60% lượng dầu của Nga mà EU nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển, khoảng 30% còn lại là thông qua đường ống dẫn dầu Druzhba.

Theo đó, lệnh cấm vận dầu mỏ của EU nhằm vào Nga sẽ ngay lập tức được áp dụng đối với lượng dầu mỏ được vận chuyển qua đường biển nói trên.

Mức cấm vận sẽ tăng lên 90% một khi Ba Lan và Đức, hai nước có kết nối với đường ống dẫn dầu Druzhba, ngừng nhập khẩu qua tuyến đường này vào cuối năm nay.

Và 10% còn lại sẽ tạm thời được miễn cấm vận để Hungary cùng với Slovakia và Cộng hòa Séc vẫn nhập khẩu được dầu mỏ thông qua tuyến đường ống vốn không dễ dàng thay thế này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.