Nga cảnh báo hậu quả nghiêm trọng của việc áp giá trần dầu mỏ

Thủ tướng Nga Putin nhấn mạnh việc phương Tây áp giá trần với dầu mỏ Nga "trái với các nguyên tắc của quan hệ thị trường" và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu.
Nga cảnh báo hậu quả nghiêm trọng của việc áp giá trần dầu mỏ ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí của Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Ngày 24/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo những nỗ lực của phương Tây nhằm áp giá trần đối với dầu mỏ Nga có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trên thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, tuyên bố của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đưa ra cảnh báo trên trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Mohammed al-Sudani diễn ra cùng ngày.

Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin đã đề cập việc một số nước phương Tây tìm cách áp đặt mức giá trần đối với dầu thô của Nga.

Ông nhấn mạnh rằng những hành động như vậy "trái với các nguyên tắc của quan hệ thị trường và rất có nguy cơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu."

Lời cảnh báo trên được nhà lãnh đạo Nga đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) về việc áp mức giá trần mua dầu mỏ Nga lâm vào bế tắc.

[Nhiều nước châu Âu không đồng tình với giá trần khí đốt do EU đề xuất]

Bộ trưởng An ninh năng lượng và Môi trường Italy Gilberto Pichetto Fratin cho biết 15 nước thành viên EU kêu gọi áp giá trần khí đốt đã quyết định bác bỏ cơ chế giới hạn mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất.

Ủy viên châu Âu phụ trách Năng lượng Kadri Simson cũng xác nhận các đại sứ của EU không nhất trí được về việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga và các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn.

Theo các nguồn tin, các đại sứ EU đã thảo luận về khả năng áp mức giá trần dầu mỏ của Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng. Cuộc thảo luận đã bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia EU.

Một số nước, trong đó có Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, cho rằng mức trần này quá cao, trong khi các quốc gia nhận được một phần thu nhập đáng kể từ hoạt động vận chuyển dầu trên biển như Hy Lạp, Síp và Malta cho rằng ngưỡng này quá thấp và có nguy cơ làm suy yếu thương mại dầu mỏ thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.