Nga cảnh báo Ukraine về hậu quả từ thỏa thuận liên kết với EU

Tổng thống Nga cảnh báo rằng Moskva sẽ hạn chế sự tiếp cận của Ukraine với các thị trường thiết yếu của Nga nếu Kiev thực thi bất cứ phần nào của thỏa thuận thương mại với EU.
Nga cảnh báo Ukraine về hậu quả từ thỏa thuận liên kết với EU ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một bức thư gửi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mà hãng tin Reuter có được ngày 23/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng Moskva sẽ hạn chế sự tiếp cận của Ukraine với các thị trường thiết yếu của Nga nếu Kiev thực thi bất cứ phần nào của thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU), qua đó thể hiện lập trường đanh thép hơn về thỏa thuận đang là trung tâm gây căng thẳng Nga-Ukraine này.

Trong bức thư, ông Putin cảnh báo rằng ngay cả việc sửa đổi luật pháp để chuẩn bị cho thỏa thuận liên kết EU-Ukraine cũng sẽ ngay lập tức đối mặt với phản ứng từ phía Moskva.

Theo Tổng thống Nga, chỉ một sự điều chỉnh mang tính hệ thống của Thỏa thuận Liên kết, tính toán tới toàn bộ các nguy cơ đối với mối quan hệ kinh tế Nga-Ukraine và toàn bộ nền kinh tế Nga, mới có thể giúp duy trì sự hợp tác thương mại và kinh tế hiện tại giữa Liên bang Nga và Ukraine.

Tổng thống Putin không nói chi tiết về khả năng đáp trả của Nga, song trước đó, ngày 22/9, Thủ tướng nước này Dmitry Medvedev cho biết ông đã ký quyết định của Chính phủ Nga tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Ukraine trong vòng 10 ngày kể từ ngày Ukraine bắt đầu thực hiện Thỏa thuận liên kết với EU.

Danh mục sản phẩm có khả năng bị tăng thuế gồm 174 mặt hàng, bao gồm nhóm thực phẩm (thịt, sữa, hoa quả, ngũ cốc, bia, rượu vang), hàng nhu yếu phẩm (thuốc lá, xe ôtô, xe buýt, tủ lạnh, quần áo, giày dép và thiết bị nội thất), cũng như hàng công nghiệp (tàu thủy, các sản phẩm chế tạo máy, đồ mỹ phẩm, vải vóc, đồ gỗ, phân khoáng...).

Thủ tướng Nga nhấn mạnh các biện pháp trên chỉ được áp dụng nếu Ukraine bắt đầu thực hiện các nội dung kinh tế trong thỏa thuận với EU trước thời hạn đã được hai bên quyết định lui lại đến đầu năm 2016 và nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước nguy cơ bị cạnh tranh "không lành mạnh"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.