Nga cắt giảm khí đốt: Thách thức và cơ hội đối với châu Âu

Việc Nga cắt giảm khí đốt sẽ gây tổn thương cho châu Âu trong ngắn hạn, nhưng đó cũng là điều tốt bằng việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi “xanh” của châu lục này.
Nga cắt giảm khí đốt: Thách thức và cơ hội đối với châu Âu ảnh 1Trạm bơm khí của Hệ thống đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1), dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic, tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết trên báo The Straits Times, việc Nga cắt giảm khí đốt sẽ gây tổn thương cho châu Âu trong ngắn hạn, nhưng đó cũng là điều tốt bằng việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi “xanh” của châu lục này.

Việc cắt giảm mạnh dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu kể từ tháng Sáu đe dọa châu lục này rơi vào một mùa Đông băng giá. Với giá khí đốt tăng chóng mặt, việc cắt giảm này cũng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, về trung hạn, “trong cái rủi cũng có cái may,” việc này sẽ đẩy nhanh sự chuyển đổi sang một tổ hợp năng lượng đa dạng hơn và khai thác năng lượng tái tạo, không chỉ ở châu Âu.

Tháng Sáu vừa qua, Nga đã giảm lượng khí đốt sang châu Âu thông qua đường ống dẫn dầu lớn nhất sang Đức, Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), xuống còn 40% công suất, với lý do các vấn đề về bảo dưỡng.

Đây được cho là kết quả của các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, theo đó ngăn cản việc xuất khẩu các phụ tùng và trang thiết bị được sửa chữa. Sau đó, mới đây, Nga đã siết chặt nguồn cung hơn bằng việc giảm xuống chỉ còn 20% công suất.

Không ai xác minh được mức độ nghiêm trọng của các vấn đề về bảo dưỡng thực sự là gì. Nhưng có thể nói rằng Tập đoàn khí đốt Gazprom thuộc sở hữu nhà nước của Nga đã không hề nỗ lực bơm khí đốt thông qua bất kỳ đường ống nhỏ hơn nào như họ đã làm trong quá khứ.

[Đề xuất của Đức về đường ống khí đốt châu Âu được nhiều nước ủng hộ]

Nhiều nhà phân tích tin rằng Nga đang sử dụng những vấn đề về bảo dưỡng như một cái cớ để cắt giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu và sẽ còn cắt giảm hơn nữa khi mùa Đông đến gần, thời điểm mà việc sử dụng khí đốt ở mức cao nhất.

Theo quan điểm này, Nga đang sử dụng vũ khí xuất khẩu khí đốt như một hình thức trả đũa các lệnh trừng phạt của châu Âu.

Tác động trực tiếp

Động thái cắt giảm khí đốt mới đây đã có tác động ngay lập tức. Giá khí đốt của châu Âu, vốn đã cao hơn gấp 5 lần so với mức cách đây một năm, tăng 30% chỉ trong hai ngày. Sự tăng giá mạnh mẽ này nhấn mạnh mức độ châu Âu, và đặc biệt là nền kinh tế lớn nhất khu vực này - Đức, đã trở nên phụ thuộc vào khí đốt của Nga như thế nào.

Trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, Nga đã cung cấp khoảng 40% khí đốt cho châu Âu và trong trường hợp Đức là 55%. Đức hầu như không sản xuất khí đốt của riêng mình cũng như không có cảng biển có bến để tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), mặc dù Đức đã bắt đầu xây dựng chúng một cách muộn màng. Đường ống từ Nga là huyết mạch năng lượng của nước này.

Các chi phí cho sự phụ thuộc của Đức giờ đang trở thành tiêu điểm. Các ngành sản xuất của nước này, vốn tiêu thụ hơn 1/3 lượng khí đốt, bị đe dọa không chỉ với chi phí cao hơn mà còn phải hạn chế, điều có nghĩa là họ sẽ cần cắt giảm hoạt động. Các hộ gia đình phải đối mặt với những hóa đơn điện cao hơn đáng kể.

Các bệnh viện, nhà dưỡng lão, trung tâm mua sắm và các tòa nhà công cộng cũng vậy. Trong quý 2, khi hầu hết các nguồn cung khí đốt từ Nga vẫn chảy vào, tăng trưởng kinh tế của Đức đã đi ngang so với ba tháng trước đó. Vì vậy, sự cắt giảm này có nghĩa là các số liệu cho thời gian còn lại của năm thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn.

Trong một nghiên cứu hồi tháng Tư, Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank ước tính việc Nga cắt giảm khí đốt sẽ làm mất đi 5 điểm phần trăm trong tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức. Vì vậy, thay vì tăng trưởng 3% như dự kiến của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đưa ra hồi tháng Ba, nền kinh tế Đức có thể bị thu hẹp 2% trong năm nay.

Mặc dù có những sự không chắc chắn xung quanh dự báo này, nhưng vẫn có khả năng Đức, cùng với nền kinh tế châu Âu có thể rơi vào suy thoái, đặc biệt là nếu ECB kéo dài chu kỳ tăng lãi suất của mình.

Cùng với Đức, một số quốc gia châu Âu khác cũng phụ thuộc vào khí đốt của Nga như Italy, Hungary, Slovakia và các nước Baltic cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng tác động đối với Đức sẽ có hậu quả lớn nhất, vì nước này là nền kinh tế lớn nhất của châu Âu.

Đối phó với khủng hoảng

Liên minh châu Âu (EU) đang phải vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Đầu tiên, họ đang tăng cường các nguồn cung cấp khác, trong đó có LNG, chủ yếu từ Mỹ và Bắc Phi. Khu vực này cũng đang nhận được nhiều dầu mỏ và khí đốt hơn từ Na Uy.

Thứ hai, một số quốc gia đang chuyển sang sử dụng nhiều than đá hơn, trong đó có Ba Lan - nước có rất nhiều tài nguyên này, và thậm chí cả Đức cũng đang khởi động lại các nhà máy điện than cũ.

Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng đã thúc đẩy sự suy tính lại về việc sử dụng điện hạt nhân mà Đức đã lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn vào cuối năm nay. Ngay cả một số thành viên của Đảng Xanh trong liên minh cầm quyền cũng đã giảm bớt sự phản đối lâu đời của họ đối với năng lượng hạt nhân - mặc dù vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Thứ ba, để chuẩn bị cho nhu cầu của mùa Đông, EU đang bổ sung các cơ sở dự trữ vốn đã đầy hơn một nửa.

Tuy nhiên, ngay cả với tất cả những hành động này, EU sẽ không thể sớm bù đắp được sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga. Các biện pháp này cũng không dễ thực hiện. Ví dụ, các bến cảng LNG - ngoài việc thiếu năng lực để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu - không được phân phối một cách công bằng, chủ yếu tập trung ở Tây Ban Nha (quốc gia có năng lực lớn nhất), Anh, Pháp, Italy và Hà Lan.

Các kết nối đường ống dẫn dầu từ các bến – đặc biệt là ở Tây Ban Nha - đến các nơi còn lại của châu Âu bị hạn chế. Các cơ sở để chuyển đổi LNG từ thể lỏng trở lại thể khí trước khi có thể được sử dụng cũng không đủ, mặc dù nhiều cơ sở hơn đang được xây dựng.

Vì vậy, ngoài việc nhập khẩu nhiều năng lượng hơn và chuyển đổi khỏi khí đốt, châu Âu đang bắt tay vào một nỗ lực tiết kiệm năng lượng. EU muốn các nước thành viên giảm sử dụng khí đốt khoảng 15%. Đức đã bắt đầu thực hiện với một số thành phố điều chỉnh các máy điều nhiệt và tắt đèn chiếu sáng ban đêm ở các tòa nhà công cộng. Các ngành công nghiệp đang được thúc đẩy sử dụng ít năng lượng hơn, và người dân đang lên kế hoạch chuyển sang đốt củi để giữ ấm.

Việc các nước EU khác sẽ giảm sự tiêu thụ của họ đến mức nào là điều không chắc chắn. Một số nước tự cung tự cấp hơn về năng lượng, trong khi những nước khác đã yêu cầu miễn trừ đối với một số ngành công nghiệp vì những lý do khác nhau. Việc cắt giảm tiêu thụ cũng khó thực thi, như Hungary đã chỉ ra - quốc gia đã bác bỏ ý tưởng này. Bởi vậy, dường như châu Âu đang tiến tới trải qua một mùa Đông khó khăn, ít nhất là trong năm nay, nếu không muốn nói là cả năm tiếp theo.

Tuy nhiên, đây không phải là khu vực duy nhất trên thế giới sẽ phải trả giá cho việc Nga vũ khí hóa xuất khẩu khí đốt của mình. Giá khí đốt cao hơn cũng sẽ kéo theo giá phân bón cao hơn, nhiều trong số đó có nguồn gốc từ khí đốt.

Điều này sẽ dẫn đến cắt giảm sản xuất lương thực và dẫn tới giá lương thực cao hơn, từ đó làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang xảy ra trên thế giới.

Trên thực tế, người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới không phải là người châu Âu mà là hàng trăm triệu người ở các nước nghèo, những người đã phải chi một phần lớn thu nhập của họ cho lương thực. Các đối tác thương mại của châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu lục địa này rơi vào suy thoái.

Phục hồi trong trung hạn

Tuy nhiên, bất chấp “nỗi đau” trong ngắn hạn do Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, EU có khả năng phục hồi tốt hơn về năng lượng trong trung hạn. Trong ba năm tới, khu vực này sẽ xây dựng được năng lực LNG của chính mình và cơ sở hạ tầng chuyển đổi từ dạng lỏng sang dạng khí và bịt được các lỗ hổng trong các đường ống dẫn dầu trong nội bộ châu Âu.

Với việc đa dạng hóa các nguồn cung khí đốt đang trở thành một ưu tiên, khu vực này sẽ xây dựng các đường ống dẫn dầu mới dẫn đến châu Âu, chẳng hạn như Đường ống dẫn khí đối xuyên Sahara dài 4.000km mà họ gần đây đã ký một Biên bản ghi nhớ với Algeria, Nigeria và Niger - cũng như gia tăng nhập khẩu từ Azerbaijan. Trong vòng ba năm, sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga sẽ giảm đáng kể và vĩnh viễn.

Giá khí đốt cao cũng sẽ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu năng lượng và chuyển sang năng lượng tái tạo trong nội bộ EU. Lịch sử cho thấy hiệu quả của việc sử dụng năng lượng nhiên liệu hóa thạch đã và đang được cải thiện hàng năm trong nửa thế kỷ qua, rất lâu trước khi phong trào năng lượng tái tạo lấy được đà.

Ví dụ, một nghiên cứu năm 2021 của Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu thuộc Đại học Columbia cho thấy kể từ sau năm 1973, khi việc sử dụng dầu mỏ đạt mức cao nhất, lượng dầu cần thiết để sản xuất ra 1.000 USD giá trị GDP đã giảm 56% (tại thời điểm năm 2019). Nghiên cứu này kết luận: “Dầu mỏ đã trở nên ít quan trọng hơn rất nhiều và nhân loại đã trở nên hiệu quả hơn trong việc sử dụng nó.”

Giá năng lượng càng cao thì hiệu quả thu được càng nhanh. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn cũng sẽ nhận được sự thúc đẩy từ “thỏa thuận mới xanh” của EU. Theo đó, EU có kế hoạch huy động khoảng 250 tỷ euro đến năm 2026 để hỗ trợ quá trình chuyển đổi “xanh” bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới, phát triển các công nghệ và hỗ trợ các dự án nhằm đẩy nhanh việc phi carbon hóa trên toàn châu Âu.

Tuy nhiên, điều này không chỉ diễn ra ở châu Âu. Mới đây, rất trùng hợp vào đúng thời điểm Nga tuyên bố cắt giảm cung cấp khí đốt, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một kế hoạch sâu rộng trị giá 800 tỷ USD theo cái gọi là Đạo luật Giảm lạm phát, trong đó phân bổ 385 tỷ USD cho các sáng kiến “xanh.”

Những sáng kiến này bao gồm trang bị thêm cho các ngôi nhà để có năng lượng sạch hơn, khuyến khích các nhà sản xuất ôtô tăng cường sản xuất xe điện và ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất và nông nghiệp.

Với việc cả Mỹ và EU đều tăng tốc trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, tương lai trung hạn của nhiên liệu hóa thạch có vẻ ít tươi sáng hơn so với thậm chí chỉ cách đây vài tháng.

Việc Nga vũ khí hóa xuất khẩu khí đốt của mình có thể là một vũ khí hiệu nghiệm, có thể tạm thời thúc đẩy doanh thu của nước này, dẫn đến một vài mùa Đông lạnh giá ở châu Âu, nhưng biện pháp này chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.