Nga chưa vội đáp trả trừng phạt của phương Tây

Nga chưa vội đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây

Ông Putin nói rằng hiện Nga chưa cần đáp trả các lệnh trừng phạt, song Moskva có thể xem xét việc tham gia của các công ty phương Tây vào nền kinh tế của Nga.
Nga chưa vội đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp ở Petrozavodsk, thủ phủ Cộng hòa Karelia, Liên bang Nga ngày 28/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hiện Nga chưa cần đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, song Moskva có thể xem xét việc tham gia của các công ty phương Tây vào nền kinh tế của Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, nếu các lệnh trừng phạt tiếp diễn.

Đây là lời cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đưa ra ngày 29/4 tại thủ đô Minsk của Belarus bên lề một hội nghị thượng đỉnh khu vực tại đây.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Putin cho biết trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với các cá nhân và tổ chức ngân hàng Nga liên quan đến tình hình Ukraine, Chính phủ Nga đã đề nghị áp đặt các biện pháp đáp trả.

Tuy nhiên, ông chưa chấp thuận và để ngỏ khả năng này trong trường hợp phương Tây tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt.

Ông cũng cảnh báo các án phạt của Mỹ sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các công ty năng lượng lớn của nước này tại Nga.

Tổng thống Putin nêu rõ Nga mong muốn không phải viện tới bất kỳ biện pháp trả đũa nào. Tuy nhiên, ông khẳng định nếu những hành động tương tự của phương Tây tiếp tục tái diễn, Nga sẽ phải xem xét lại sự tham gia và cách thức hợp tác của các công ty phương Tây trong nền kinh tế Nga, trong đó có lĩnh vực năng lượng.

Nhà lãnh đạo Nga cáo buộc mối quan tâm hàng đầu hiện nay của Mỹ trong giải quyết khủng hoảng tại Ukraine cho thấy ngay từ đầu Nhà Trắng đã đứng sau hậu thuẫn cho các sự kiện tại đây, lập kế hoạch và tài trợ cho kịch bản sức mạnh, đảo chính vi hiến, vũ trang chiếm chính quyền tại Kiev.

Bình luận về sự kiện các quan sát viên quân sự của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) bị những người biểu tình đòi liên bang hóa tại Ukraine bắt giữ ngày 25/4, Tổng thống Putin hy vọng họ sẽ sớm được tự do rời khỏi Ukraine, và tất cả các bên liên quan sẽ phải rút ra kết luận cần thiết để tránh lặp lại tình huống khủng hoảng này.

Tuy nhiên, ông không đồng tình với cơ chế gửi quan sát viên mà không có thỏa thuận với địa phương trên của OSCE cũng như hành động bắt giữ các quan sát viên nước ngoài.

Ngoài ra, Tổng thống Putin tái khẳng định trên lãnh thổ Ukraine không có các chuyên gia cũng như lực lượng đặc nhiệm của Nga.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham cho biết nước này chính thức phản đối và lên án các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và EU đang tiến hành chống Liên bang Nga, và cho rằng những biện pháp này sẽ thất bại.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 29/4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành cuộc họp mở để thảo luận về tình hình căng thẳng tại miền Đông Ukraine.

Tại đây, các quốc gia phương Tây đã lên tiếng chỉ trích Nga gây ra tình hình bất ổn tại quốc gia láng giềng.

Trong khi đó, Nga khẳng định không liên quan tới những diễn biến căng thẳng trong thời gian qua tại Ukraine.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc, ông Vitaly Churkin, bày tỏ hy vọng chính quyền hiện nay tại Kiev chấm dứt các hành động thiếu thận trọng và tôn trọng người dân tại Đông Nam Ukraine, khu vực hiện đang có nhiều người Nga sinh sống.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman nêu rõ các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine cần thực thi tinh thần của thỏa thuận đạt được tại Geneva ngày 17/4 vừa qua, hướng tới một giải pháp chính trị và ngoại giao cấp bách và mang tính dài hạn cho quốc gia Đông Âu này.

Theo ông, những cách hiểu khác nhau giữa Nga, Mỹ, EU và chính phủ tạm quyền tại Ukraine về thỏa thuận trên đã ngăn cản việc thực thi văn kiện mang tính thỏa hiệp này. Vì vậy, các bên liên quan cùng hợp tác hướng tới mục đích đưa sự ổn định trở lại quốc gia đang cuốn vào bạo lực này.

Trong lúc này, người biểu tình tại tỉnh Lugansk ở miền Đông Ukraine đã chiếm giữ thêm trụ sở Sở Nội vụ tỉnh và công an thành phố. Họ cho phép các nhân viên tại hai trụ sở trên rời khỏi nhiệm sở mà không mang theo vũ khí, tuy nhiên lực lượng bảo vệ pháp luật vẫn tiếp tục giữ nguyên vị trí trong nhiều giờ, sử dụng hơi cay để chống lại người biểu tình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.