Nga chuyển hướng khai thác than về khu vực miền Đông

Trung tâm khai thác than của Nga sẽ chuyển từ Tây Siberia về vùng Viễn Đông và Đông Siberia để phục vụ mục tiêu tăng gấp đôi lượng than cung cấp cho các nước châu Á-TBD.

Trung tâm khai thác than của Nga sẽ chuyển từ Tây Siberia về vùng Viễn Đông và Đông Siberia.

Đó là nội dung chương trình quốc gia được đổi mới về sự phát triển ngành công nghiệp than ở Nga đến năm 2030.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak đã trình lên Chính phủ dự án điều chỉnh của văn kiện được phê duyệt cách đây hai năm.

Ông Novak giải thích rằng cần phải thực hiện những thay đổi quy mô trong ngành công nghiệp than vì dự kiến trong tương lai gần, Nga sẽ tăng gấp đôi khối lượng than cung cấp cho các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong khi khối lượng than cung cấp cho thị trường Đại Tây Dương vẫn không thay đổi.

Nhờ các dự án mới và chuyển hướng xuất khẩu than về phía Đông, đến năm 2030, khối lượng xuất khẩu than của Nga sẽ tăng gấp đôi, đạt tới 120 triệu tấn.

Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết trong 10 năm qua, sản lượng khai thác than ở Nga đã tăng một phần tư, lên đến 350 triệu tấn mỗi năm.

Năng suất lao động và đầu tư vào các loại tài sản cố định trong các doanh nghiệp than đã tăng gấp bốn lần. Nhiều cơ sở mới khai thác than hàng năm được đưa vào khai thác với tổng sản lượng hơn 20 triệu tấn.

Nhờ các cơ sở mới được đưa vào hoạt động, Nga có thể gia tăng sản lượng than tới 480 triệu tấn vào năm 2030. Sự hợp tác với Trung Quốc sẽ giúp thực hiện kế hoạch này.

Các đối tác Trung Quốc sẽ tham gia thực hiện kế hoạch phát triển hai mỏ than ở khu vực Amur, vùng Viễn Đông, và một mỏ than ở vùng Đông Siberia gần hồ Baikal.

Theo Bộ trưởng Novak, dự án này sẽ mang lại lợi nhuận cao vì thị trường tiêu thụ nằm rất gần.

Theo dự báo quốc tế, đến năm 2030, thị trường than khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng 1,5 lần. Trong khi đó, dự kiến, tỷ lệ nguyên liệu Nga trên thị trường đầy hứa hẹn này sẽ tăng từ 6% đến 15%.

Các cơ sở khai thác than của Nga đã ký hợp đồng dài hạn với các công ty thép hàng đầu ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các nhà sản xuất thép ở châu Á cho rằng hiện nay khó có thể tìm kiếm phương án thay thế than cốc từ Nga, sản phẩm có giá thành và chất lượng tốt nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.