Nga đánh giá thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây

Sự leo thang của áp lực trừng phạt lẫn nhau có tác động tiêu cực phức tạp đối với cả nền kinh tế Nga và phương Tây. Các con số đưa ra là khác nhau, nhưng thiệt hại kinh tế đã lên đến hàng trăm tỷ USD.
Nga đánh giá thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh 1Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. (Nguồn: TTXVN)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với nền kinh tế Nga.

Trả lời phỏng vấn trang RT, bà Zakharova nói: “Sự leo thang của áp lực trừng phạt lẫn nhau có tác động tiêu cực phức tạp đối với cả nền kinh tế Nga và phương Tây. Mặc dù các con số đưa ra là khác nhau và mang tính chủ quan, nhưng thiệt hại kinh tế đã lên đến hàng trăm tỷ USD. Trong những điều kiện này, chúng tôi (Nga) tiếp tục đáp trả các hạn chế (của phương Tây) một cách chính xác và đầy đủ, dựa trên lợi ích phát triển kinh tế quốc gia và các nhà điều hành kinh tế trong nước.”

[Nga: Các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ không đạt mục đích]

Bà Zakharova nhấn mạnh hiện tại vẫn có những hạn chế đối với việc nhập khẩu một số loại thực phẩm từ các quốc gia đã tuyên bố trừng phạt Moskva. Ngoài ra, đại diện của Bộ Ngoại giao Nga cũng đề cập đến việc "củng cố hệ thống tài chính quốc gia."

Bà khẳng định: “Bằng nhiều cách, chúng tôi đã xoay sở để thích ứng với những thách thức bên ngoài, biến chuyển tình thế thành có lợi cho mình, khởi động các chương trình thay thế nhập khẩu, phát triển những ngành có triển vọng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong nước.”

Trước đó, tờ Financial Times dẫn lời các chuyên gia cho biết nền kinh tế Nga, vốn bị các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt từ vài năm nay, hiện đang ở trạng thái ổn định hơn bao giờ hết.

Các chuyên gia kết luận trong những năm qua, nền kinh tế Nga đã thích nghi với tình hình bằng cách cắt giảm chi tiêu chính phủ và dành hàng nghìn tỷ ruble cho các chương trình thay thế nhập khẩu và khuyến khích sản xuất trong nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.