Một báo cáo được Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai của Nga công bố ngày 8/9 khẳng định các nước thuộc Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới và các đối tác (BRICS+) có thể hợp tác để đối phó hiệu quả hơn với các cuộc khủng hoảng toàn cầu, kể cả đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay.
Báo cáo với tiêu đề "Các xung lực chống khủng hoảng của BRICS+: Từ các nước BRICS đến các đối tác khu vực” nhận định hợp tác để ứng phó hiệu quả với những thách thức mới cần được tiến hành ở cấp khu vực, xuyên khu vực và toàn cầu.
Tác giả báo cáo nhận định cuộc khủng hoảng COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của các yếu tố khu vực trong việc ngăn chặn đại dịch.
[Tương lai nào chờ đón các nền kinh tế BRICS?]
Nền tảng đa phương mới, tập hợp các khối hội nhập do BRICS đứng đầu, sẽ có khả năng góp phần tăng cường hợp tác giữa các nước đang phát triển cũng như củng cố các nỗ lực hội nhập kinh tế và nguồn lực tài chính để đảm bảo tăng trưởng bền vững và có sức chống chịu tốt hơn trước các cú sốc đột ngột.
BRICS hiện gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Sáng kiến BRICS+ ra đời vào thời điểm nhóm này tìm kiếm những hướng phát triển mới hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn hợp tác Nam-Nam có tầm ảnh hưởng trên thế giới, thông qua cơ chế đối thoại với các nước đang phát triển hàng đầu hoặc nhiều nhóm nước đang phát triển để thiết lập quan hệ đối tác mở rộng./.