Nga, Đức nỗ lực giúp giải quyết xung đột Nagorny Karabakh

Quan ngại trước tình hình căng thẳng leo thang tại khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan, Nga và Đức đều thể hiện nỗ lực giúp giải quyết cuộc xung đột này.
Nga, Đức nỗ lực giúp giải quyết xung đột Nagorny Karabakh ảnh 1Xe tăng của lực lượng tự vệ Nagorny Karabakh trên một con đường gần làng Mataghis, ngày 6/4. (Nguồn: Reuters)

Quan ngại trước tình hình căng thẳng leo thang tại khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan, Nga và Đức đều thể hiện nỗ lực giúp giải quyết cuộc xung đột này.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong buổi tiếp Tổng thống Armenia Serzh Sarksyan đang ở thăm Đức, ngày 6/4, Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel đã kêu gọi Armenia và Azerbaijan tiến tới một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột ở vùng lãnh thổ Nagorny Karabakh.

Bà Merkel cho rằng tình hình hiện nay tại đây "rất đáng quan ngại," do đó cần phải duy trì lệnh ngừng bắn một cách bền vững và tìm kiếm một giải pháp hoà bình để không có thêm thương vong.

Nhà lãnh đạo Đức cũng cho biết với vai trò là Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Đức sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột hiện nay ở Nagorny Karabakh, theo đó, Berlin cam kết ủng hộ các nỗ lực đàm phán của Nhóm Minsk thuộc OSCE do Pháp, Nga và Mỹ làm đồng Chủ tịch.

Trong khi đó, tại cuộc gặp Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tại Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố cấp Tổng thống, Thủ tướng, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng cũng như Bộ Tổng tham mưu Nga đều thực hiện những biện pháp cần thiết để giúp các bên xung đột tại Nagorny Karabakh đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Với vai trò là quốc gia có quan hệ hữu nghị với cả Armenia và Azerbaijan và với tư cách là đồng Chủ tịch Nhóm Minsk, Nga sẵn sàng hỗ trợ để thỏa thuận ngừng bắn không bị vi phạm, đặc biệt là làm dịu tình hình và tích cực tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vùng lãnh thổ này.

Dự kiến, Ngoại trưởng Lavrov sẽ có cuộc gặp ba bên với người đồng cấp Iran và Azerbaijan tại Baku trong ngày 7/4. Trong hai ngày 7-8/4, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev dự kiến sẽ đến Armenia và Azerbaijan nhằm thảo luận với ban lãnh đạo hai nước về vấn đề Nagorny Karabakh.

Về tình hình thực địa tại Nagorny Karabakh, các bên xung đột đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Quân đội của Cộng hòa Nagorny Karabakh tự xưng tuyên bố phía Azerbaijan tiếp tục tấn công bằng súng cối 82 và 60 về phía họ khiến 1 binh sĩ 42 tuổi của Cộng hòa Nagorny Karabakh tự xưng thiệt mạng.

Theo lực lượng này, kể từ thời điểm bùng phát xung đột đến nay, 32 binh sĩ của vùng lãnh thổ này đã thiệt mạng và 131 người khác bị thương. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan lại cho rằng lực lượng vũ trang Armenia đã sử dụng súng cối 60, 82 và 120 nã đạn về phía vị trí của quân đội Baku và phía Azerbaijan không có hành động đáp trả.

Nagorny Karabakh là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia.

Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây.

Giao tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người và khiến hàng nghìn dân thường vô tội, chủ yếu là người Azerbaijan, phải chạy lánh nạn. Cũng kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.

Hiện hai nước được ngăn cách bởi một vùng phi quân sự, nhưng bên nào cũng tố cáo đối phương vi phạm vùng phi quân sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.