Nga hỗ trợ Venezuela tăng sản lượng khai thác dầu mỏ

Công ty Dầu mỏ quốc doanh PDVSA của Venezuela đã nhận được khoản tín dụng hỗ trợ trị giá 1 tỷ USD từ Nga để giúp tăng sản lượng đang bị sụt giảm.

Công ty Dầu mỏ quốc doanh PDVSA của Venezuela đã nhận được khoản tín dụng hỗ trợ trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn dầu mỏ Gazprom của Nga để giúp nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của quốc gia Nam Mỹ này tăng sản lượng đang bị sụt giảm.

Phát biểu ngày 28/11, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Rafael Ramirez cho biết khoản cho vay này sẽ giúp PDVSA giảm gánh nặng nợ nần và đẩy nhanh tiến độ thực hiện một dự án chung với Gazprom ở bang Zulia, miền Tây Venezuela.

Khoản tín dụng mới nhằm giúp Venezuela tăng sản lượng khai thác từ 63.000 thùng lên 104.000 thùng dầu/ ngày trong thời gian tới, thông qua công ty liên danh Petrozamora.

Theo thỏa thuận trên, Petrozamora hoạt động trong vòng 25 năm tới và chính quyền Caracas sẽ thanh toán trong 6 năm tới. Dự báo để liên danh này đi vào sản xuất hết công suất, số vốn đầu tư phải là 2,539 tỷ USD, con số mà phía Nga sẽ tiếp tục xem xét trong thời gian tới. Bộ trưởng Ramirez coi đây là một hình mẫu cho mối quan hệ tốt đẹp trên lĩnh vực chính trị và được thể hiện trên lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Cũng theo Bộ trưởng Ramirez, Venezuela đang đàm phán với Tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ban Nha về một khoản cho vay khác trị giá 1,2 tỷ USD và dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng tới, nâng tổng số tiền mà PDVSA vay từ các đối tác dầu mỏ nước ngoài trong năm nay lên gần 10 tỷ USD.

Các tập đoàn dầu khí của Nga đang có kế hoạch tăng cường đầu tư vào lĩnh vực dầu khí và năng lượng tại Venezuela. Trước đó, trong khuôn khổ hội nghị dầu mỏ lần thứ nhất giữa Nga và Venezuela, Tập đoàn Rosneft thông báo trong những năm tới sẽ đầu tư khoảng 65 tỷ USD vào các dự án thăm dò và khai thác tại khu vực phía Đông Orinoco, dải dầu khí lớn nhất tại quốc gia Nam Mỹ này.

Mặc dù Venezuela sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, song sản lượng khai thác đã giảm dần trong những năm gần đây do quản lý không hiệu quả và thiếu đầu tư./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.