Nga khẳng định thực hiện đủ nghĩa vụ trong các hợp đồng bán khí đốt

Trước đó, lãnh đạo công ty dầu khí quốc gia Ukraine Naftogaz đã chỉ trích việc Gazprom đình chỉ vận chuyển khí đốt qua Ukraine đến Hungary, cho rằng Nga sử dụng nguồn cung năng lượng như một vũ khí.
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Balkan" ở Serbia. (Ảnh: IBNA/TTXVN)
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Balkan" ở Serbia. (Ảnh: IBNA/TTXVN)

Ngày 1/10, Điện Kremlin tuyên bố Nga thực hiện đầy đủ tất cả các nghĩa vụ của nước này trong các hợp đồng bán khí đốt hiện nay, đồng thời cho rằng phần lớn những chỉ trích nhằm vào Moskva liên quan vấn đề này đều là chính trị hóa.

Trước đó cùng ngày, Ukraine thông báo tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã đình chỉ vận chuyển khí đốt qua Ukraine đến Hungary.

Theo một thỏa thuận ký ngày 27/9, Gazprom cung cấp dài hạn khí đốt cho Hungary thông qua đường ống khí đốt "Dòng chảy Balkan" ở Serbia (đường ống tiếp nối của "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ") và các đường ống ở Đông Nam châu Âu.

[Gazprom bắt đầu cung cấp khí đốt cho Hungary không qua Ukraine]

Lãnh đạo công ty dầu khí quốc gia Ukraine Naftogaz, ông Yuriy Vitrenko, chỉ trích động thái trên của tập đoàn Gazprom, cho rằng Nga đang sử dụng nguồn cung năng lượng như một vũ khí.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Moldova Andrei Spinu bày tỏ hy vọng nước này sẽ ký hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn với Gazprom với các điều khoản có lợi hơn vào cuối tháng này.

Hợp đồng khí đốt ưu đãi của Moldova đã hết hạn hôm 30/9. Ông Spinu cho biết hợp đồng này đã được gia hạn thêm một tháng để không làm gián đoạn nguồn cung và sẽ đàm phán với Gazprom về hợp đồng trên tại Diễn đàn khí đốt quốc tế ở St.Petersburg, dự kiến diễn ra vào tuần tới.

Phó Thủ tướng Moldova cho hay do hợp đồng mới chưa được ký kết nên Moldova sẽ mua khí đốt của Nga trong tháng này theo giá thị trường là 790 USD/1.000 mét khối, trong khi trước đó mức giá này chỉ là 200 USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.