Nga: Không phát hiện ô nhiễm phóng xạ sau vụ nổ động cơ tên lửa

Các chuyên gia của RFYaTs-VNIIEF và chuyên gia bên ngoài đều không ghi nhận ô nhiễm phóng xạ tồn dư sau khi đã đo được mức độ phóng xạ tăng gấp 2 lần trong thời gian ngắn, không quá 1 giờ đồng hồ.
Thao trường quân sự của Bộ Quốc phòng Nga ở tỉnh Arkhangelsk, vùng cực Bắc Nga - nơi xảy ra vụ tai nạn thử nghiệm động cơ đẩy nhiên liệu lỏng khiến 5 người thiệt mạng. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thao trường quân sự của Bộ Quốc phòng Nga ở tỉnh Arkhangelsk, vùng cực Bắc Nga - nơi xảy ra vụ tai nạn thử nghiệm động cơ đẩy nhiên liệu lỏng khiến 5 người thiệt mạng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin Nga TASS, ngày 11/8, Phó Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Hạt nhân Liên bang Nga-Viện Nghiên cứu thực nghiệm vật lý toàn Nga (RFYaTs-VNIIEF) Alexander Chernyshov cho biết các chuyên gia không ghi nhận ô nhiễm phóng xạ tồn dư sau vụ nổ động cơ phản lực tên lửa nhiên liệu lỏng xảy ra ngày 8/8 tại bãi thử quân sự gần thành phố Severodvinsk, tỉnh Arkhangelsk.

Phát biểu trên truyền hình, ông Chernyshov nêu rõ ngay sau vụ nổ, các chuyên gia RFYaTs-VNIIEF, cơ sở trực thuộc Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom, đã đo được mức độ phóng xạ tăng gấp 2 lần trong thời gian ngắn, không quá 1 giờ đồng hồ.

Sau đó, các chuyên gia của RFYaTs-VNIIEF và chuyên gia bên ngoài đều không ghi nhận ô nhiễm phóng xạ tồn dư tại đây.

[Nga: 5 người thiệt mạng trong vụ nổ động cơ đẩy nhiên liệu lỏng]

Ngày 11/8, tại thành phố Sarov tỉnh Nizhny Novgorod của Nga, nơi đặt trụ sở RFYaTs-VNIIEF, đã tổ chức lễ tưởng niệm 5 nhân viên RFYaTs-VNIIEF bị thiệt mạng trong vụ nổ trên.

Theo Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom, vụ tai nạn xảy ra trong quá trình thử nghiệm một động cơ phản lực nhiên liệu lỏng ngoài khơi ở vùng cực Bắc Arkhangelsk. Ngoài 5 nhân viên thiệt mạng còn có 3 người bị thương. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra.

RFYaTs-VNIIEF là cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu của Nga với các nhiệm vụ phức hợp về quốc phòng, khoa học và kinh tế quốc dân, trong đó trọng tâm là bảo đảm và duy trì độ tin cậy và an toàn của hệ thống lá chắn hạt nhân Nga. Cơ sở này được thành lập từ năm 1946./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.