Moskva không thấy có triển vọng tiếp tục gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin ngày 5/6 cho biết.
Tuy nhiên, trả lời báo giới ngày 5/6, quan chức Nga cho biết Nga sẽ tiếp tục tham vấn các đại diện của Liên hợp quốc về thỏa thuận này.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Thứ trưởng Vershinin nêu rõ phía Nga đã nhiều lần yêu cầu đưa vấn đề xuất khẩu amoniac của Nga qua lãnh thổ Ukraine vào Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, coi đó như một giao dịch thương mại cùng có lợi, song phía Ukraine đưa ra các yêu cầu khác nhau để thực hiện thỏa thuận và điều này khiến tình hình rơi vào bế tắc.
Quan điểm của Nga là các thỏa thuận đã ký kết và đang có hiệu lực phải được thực hiện đầy đủ. Trung tâm điều phối chung ở Istanbul đã nối lại hoạt động kiểm tra tàu theo thỏa thuận ngũ cốc, ông Vershinin cho biết thêm.
Tháng Bảy năm ngoái, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine.
Nga và Liên hợp quốc ký bản ghi nhớ trong khuôn khổ thỏa thuận này về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen.
Thỏa thuận ban đầu có hiệu lực trong 120 ngày và đến tháng 11/2022 được gia hạn thêm 120 ngày. Ngày 13/3 vừa qua, Nga đồng ý gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày, cho đến ngày 18/5.
[LHQ lo ngại hậu quả khi hoạt động xuất khẩu ngũ cốc Ukraine chậm lại]
Nga cảnh báo sẽ chấm dứt thỏa thuận sau thời hạn này nếu những rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này không được khắc phục.
Sau các cuộc đàm phán giữa các phái đoàn Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc ở Istanbul, ngày 17/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết thỏa thuận ngũ cốc đã được gia hạn thêm hai tháng, bắt đầu từ ngày 18/5.
Đến ngày 30/5, một quan chức Ukraine cho biết Kiev đang tìm kiếm sự đảm bảo của Moskva và Liên hợp quốc về việc thỏa thuận ngũ cốc sẽ được duy trì bình thường nếu Ukraine cho phép nối lại vận chuyển amoniac từ Nga qua đường ống đến cảng Pivdennyi ở Odessa để từ đó xuất khẩu mặt hàng này.
Một nguồn tin Ukraine trước đó cho biết Kiev sẽ cân nhắc cho phép amoniac của Nga quá cảnh lãnh thổ của mình để xuất khẩu với điều kiện Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được mở rộng, trong đó bổ sung thêm các cảng Ukraine và nhiều mặt hàng khác.
Theo Liên hợp quốc, việc triển khai các tàu chở ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen liên tục bị chậm, nhất là trong hai tháng vừa qua.
Trong tháng Năm, chỉ có 33 tàu rời các cảng của Ukraine, giảm một nửa so với tháng Tư; chỉ có ba tàu trong số này xuất phát từ cảng Pivdennyi ở Odesa - một trong ba cảng ở Ukraine nằm trong sáng kiến. Trong tháng, chỉ có 1,3 triệu tấn ngũ cốc và lương thực khác được xuất khẩu, tương đương mức giảm 50% về khối lượng so với tháng trước đó.
Từ hôm 24/5, số đoàn kiểm tra tại Trung tâm điều phối chung đã giảm từ ba đoàn xuống còn hai đoàn, cùng với việc đăng ký bị hạn chế khiến số tàu được kiểm tra trung bình mỗi ngày giảm xuống còn ba tàu.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, gọi đây là "tình huống nghiêm trọng" khi "các điểm nóng về nạn đói trên toàn cầu đang gia tăng và bóng ma lạm phát lương thực cũng như biến động thị trường đang rình rập ở tất cả các nước."
Tại cuộc họp báo ngày 31/5, ông Dujarric cho biết Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã đưa ra một số đề xuất để các bên tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Trung tâm điều phối chung, cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến xuất khẩu amoniac; các cuộc thảo luận và tiếp xúc vẫn đang được tiến hành.
Trước đó, Ngoại trường Nga Sergey Lavrov tuyên bố Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sẽ chỉ phát huy hiệu lực nếu các bên đạt tiến triển liên quan việc đảm bảo tính toàn diện của thỏa thuận.
Phát biểu trong cuộc họp báo ở Kenya ngày 29/5, ông Lavrov nhấn mạnh chưa đến 3% lượng ngũ cốc xuất khẩu được vận chuyển đến các nước nghèo nhất./.