Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 6/4 cho biết về lý thuyết, Nga có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ nhưng tình huống này sẽ không xảy ra trên thực tế.
Động thái diễn ra sau khi Bộ Tài chính Nga quyết định chi trả các khoản thanh toán cho hai loại trái phiếu Eurobond bằng đồng ruble.
Người phát ngôn Peskov nhấn mạnh không có căn cứ nào cho tình huống Nga vỡ nợ thực sự, đồng thời cho biết thêm Nga có đủ nguồn tài chính cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nhưng sẽ tiếp tục trả nợ nước ngoài bằng đồng ruble khi dự trữ ngoại hối của nước này vẫn bị chặn do các lệnh trừng phạt.
[IMF: Nga vỡ nợ có thể chỉ gây ảnh hưởng hạn chế đến tài chính toàn cầu]
Theo các chuyên gia, Nga “có tiền,” chỉ là nước này không thể tiếp cận số tiền đó sau khi bị loại khỏi hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu (SWIFT).
Kể từ năm 2014, lần gần nhất phương Tây trừng phạt Nga vì vấn đề Crimea, điện Kremlin đã tích lũy được khoảng 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối.
Khoảng một nửa trong số đó hiện đã bị đóng băng do các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt sau khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine vào cuối tháng Hai.
Gần đây, cả ba công ty xếp hạng tín nhiệm lớn là Fitch, S&P và Moody's - đã hạ hạng mức tín nhiệm nợ của Nga từ mức “đầu tư” xuống mức “không đáng đầu tư.”
Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P ngày 17/3 đã hạ mức xếp hạng của Nga từ CCC- xuống CC, khi nước này báo cáo về những khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn đối với trái phiếu châu Âu 2023 và 2043 bằng đồng USD.
Trước đó, một hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu khác là Fitch ngày 8/3 một lần nữa hạ bậc xếp hạng nợ chính phủ của Nga xuống mức "có rủi ro cao," từ "B" xuống "C," cho hay quyết định này phản ánh nguy cơ vỡ nợ "sắp xảy ra”.
Đầu tháng Ba, Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga xuống mức "có rủi ro cao," hay liệt kê vào loại các quốc gia có nguy cơ không trả được nợ./.