Nga lần đầu tiên cắt giảm sản lượng dầu trong 12 năm qua

Sản lượng dầu của Nga sẽ giảm từ 560 triệu tấn trong năm 2019 xuống mức từ 480 triệu đến 500 triệu tấn (tương đương 9,6 triệu-10 triệu thùng/ngày).
Nga lần đầu tiên cắt giảm sản lượng dầu trong 12 năm qua ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: eurasianet.org)

Theo hãng tin Interfax, ngày 29/4, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết sản lượng dầu mỏ của nước này có thể giảm tới 15% trong năm nay. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008 Nga giảm sản lượng dầu.

Bộ trưởng Novak viện dẫn thỏa thuận giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu lớn khác, còn gọi là OPEC+, về cắt giảm sản lượng ở mức gần 10 triệu thùng/ngày trong tháng Năm và tháng Sáu nhằm ngăn giá dầu lao dốc do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Với thỏa thuận này, sản lượng dầu của Nga sẽ giảm từ 560 triệu tấn trong năm 2019 xuống mức từ 480 triệu đến 500 triệu tấn (tương đương 9,6 triệu-10 triệu thùng/ngày). Cũng theo Bộ trưởng Novak, khi giá dầu giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sản lượng dầu của Nga chỉ giảm 0,7%.

Ông Novak nhấn mạnh tất cả các dự án khai thác dầu trong và ngoài nước đều phải giảm sản lượng theo thỏa thuận của OPEC+. Một số công ty dầu mỏ quốc tế lớn như ExxonMobil và Shell đang tham gia các dự án dầu khí ở Nga theo thỏa thuận chia sẻ sản lượng được ký từ những năm 1990. Theo thỏa thuận với OPEC, các công ty dầu khí của Nga sẽ cắt giảm 19% sản lượng so với mức khai thác vào tháng Hai.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến giảm xuống mức thấp kỷ lục 9,3 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Hoạt động sản xuất đã được điều chỉnh chậm lại do các kho chứa dầu đang dần đạt mức tối đa. Để đối phó với tình huống này, OPEC+ trong tháng Tư này đã công bố một thỏa thuận lịch sử, với mức cắt giảm kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Chính phủ Mỹ có thể mua vào tới 75 triệu thùng dầu thô để phục vụ dự trữ chiến lược của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc cắt giảm sản lượng khó có thể nhanh chóng đưa thị trường dầu vào thế cân bằng trong tháng Năm, tháng Sáu tới hoặc thậm chí vào cuối mùa Hè này. Thỏa thuận cắt giảm của OPEC+ được cho là quá muộn để có thể giúp xoay chuyển tình hình trong tháng Tư này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.