Nga ngừng cung cấp than cho Ukraine, nỗ lực ổn định thị trường

Nga đã ngừng cung cấp than cho Ukraine trong bối cảnh Ukraine đang vật lộn với tình trạng thiếu nhiên liệu thô cho các nhà máy phát điện.
Nga ngừng cung cấp than cho Ukraine, nỗ lực ổn định thị trường ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Yuri Prodan ngày 24/11 cho hay Nga đã ngừng cung cấp than cho Ukraine, “giáng một đòn” vào các nhà cung cấp năng lượng của Kiev, hiện đang phải vật lộn với tình trạng khan thiếu nhiên liệu thô cho các nhà máy phát điện bởi cuộc xung đột ở miền Đông nước này.

Trước đó, ông Prodan nói rằng Ukraine sẽ phải dựa vào nguồn cung than từ Nga để có thể vượt qua mùa Đông năm nay, sau khi cuộc giao tranh đã làm gián đoạn nguồn cung cho các nhà máy nhiệt điện, thường cung cấp khoảng 40% nguồn điện của nước này, và khiến dự trữ nhiên liệu giảm xuống mức thấp nghiêm trọng trước mùa lạnh.

Trong khi đó, DTEK - công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine và là công ty nhập khẩu than từ Nga - cho biết việc ngừng cung cấp than khá là bất ngờ và công ty này không nhận được thông báo chính thức về sự việc trên. Từ tháng Tám đến nay, DTEK đã nhập khẩu 1,3 triệu tấn than từ Nga.

Ukraine, nước cần nhập khẩu khoảng một triệu tấn than/tháng nhằm đáp ứng nhu cầu điện, trước đó đã ký một thỏa thuận với Nam Phi nhằm gia tăng nguồn dự trữ. Tuy nhiên, đầu tháng này, nhà cung cấp (từ Nam Phi) đã ngừng chuyển hàng cho Ukraine do lo ngại tình hình chính trị bất ổn.

Về phía Nga, trong nỗ lực nhằm ổn định thị trường “vàng đen” trên thế giới, Bộ Trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết Nga sẽ kiểm soát sản lượng dầu không vượt quá 525 triệu tấn/năm.

Theo ông Novak, nhiều thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã khai thác quá hạn ngạch và việc các nước thuộc OPEC đồng ý cắt giảm sản lượng trong cuộc họp tới là khó diễn ra.

Các thành viên của OPEC sẽ nhóm họp tại Vienna vào thứ Năm (27/11) để thảo luận về việc tổ chức đang đóng góp hơn 30% nguồn cung dầu của thế giới này có cắt giảm sản lượng hay không. Cho đến nay, ý kiến từ các thành viên của OPEC vẫn khá trái chiều.

Tại một diễn đàn về tài chính và kinh tế quốc tế ở Moskva, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho hay giá dầu giảm khiến Nga thất thu tới 100 tỷ USD/năm.

Bên cạnh đó, đồng ruble đã mất hơn 25% giá trị kể từ đầu năm 2014 do sự suy yếu của nền kinh tế Nga, mà nguyên nhân chủ yếu là vì giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ và các nước phương Tây áp đặt đối với Xứ sở Bạch dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.