Nga: OPCW bị cuốn vào trò chơi chính trị của Anh và đồng minh

Thứ trưởng Ngoại giao Nga tuyên bố Moskva vẫn chưa nhận được phản ứng từ OPCW như .mong muốn đối với 13 câu hỏi liên quan đến sự tham gia của tổ chức này đến vụ cựu điệp viên bị đầu độc.
Nga: OPCW bị cuốn vào trò chơi chính trị của Anh và đồng minh ảnh 1Lực lượng an ninh Anh thu thập mẫu vật bên chiếc xe của cựu điệp viên Nga Sergei Skripal tại Gillingham, London ngày 14/3. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Phát biểu sau cuộc họp khẩn của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), ngày 4/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Moskva vẫn chưa nhận được phản ứng từ OPCW như mong muốn đối với 13 câu hỏi liên quan đến sự tham gia của tổ chức này vào cuộc điều tra vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc và con gái tại Anh.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov khẳng định những câu hỏi mà Nga chuyển cho OPCW hoàn toàn có lý, đúng luật và hợp lẽ. Moskva "không thể tưởng tượng được chính OPCW ngày càng bị cuốn sâu vào những trò chơi chính trị của Anh và các đồng minh."

Cuộc họp khẩn cấp của OPCW được triệu tập theo đề nghị của Nga với tư cách là một thành viên của tổ chức này.

Nga muốn làm rõ phía Anh đã cung cấp được những bằng chứng gì cho OPCW, những thanh sát viên quốc tế nào được tiếp cận hiện trường vụ tấn công tại thành phố Salisbury, những nhân chứng mà các thanh sát viên này đã tiếp xúc cũng như các mẫu vật đang được phân tích.

Dự kiến trong vòng một tuần nữa, các chuyên gia của OPCW mới đưa ra kết luận về mẫu chất độc nghi được sử dụng trong vụ cựu điệp viên người Nga bị đầu độc tại Salisbury ngày 4/3 vừa qua.

Bên cạnh đó, Nga, Trung Quốc và Iran còn đề xuất tiến hành điều tra chung và khách quan vụ việc, song OPCW đã bác đề xuất này.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh "thông qua việc cáo buộc Nga dính líu đến vụ cựu điệp viên hai mang Skripal bị đầu độc, phương Tây đang mưu toan loại Moskva ra khỏi danh sách các nước tham gia thảo luận về vấn đề vũ khí hóa học tại Syria."

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, bà Zakharova cho rằng việc sử dụng vũ khí hóa học là "giới hạn đỏ" đối với tất cả các bên.

Theo bà, phương Tây và liên minh do Mỹ dẫn đầu đang gắn vấn đề tính hợp pháp của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad với vũ khí hóa học.

Nga đã đề xuất hợp tác với phương Tây để điều tra các buộc ông al-Assad vi phạm luật pháp quốc tế do sử dụng vũ khí hóa học, song phương Tây đang tìm cách "đẩy Nga ra khỏi phạm vi pháp lý thảo luận những vấn đề vũ khí hóa học Syria bằng cách bịa ra câu chuyện Nga sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ Anh."

[Vụ Skripal: Đề xuất điều tra chung của Nga bị OPCW bác bỏ]

Cũng trong ngày 4/4, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzi cho biết Moskva đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành một cuộc họp về vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Skripal bị đầu độc tại Anh.

Theo Đại sứ Nebenzia, Nga yêu cầu tiến hành cuộc họp để thảo luận việc Chính phủ Anh cáo buộc Moskva dính líu tới vụ tấn công bằng chất độc thần kinh nhằm vào cựu điệp viên nói trên.

Theo ông, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ sớm nhận được một bức thư làm rõ lập trường của Nga.

Ngày 4/3, cựu điệp viên hai mang Skripal và con gái Yulia được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh tại thành phố Salisbury.

Ngay sau đó, London cáo buộc Moskva có liên quan dù chưa đưa ra được bằng chứng xác thực, kêu gọi các đồng minh phương Tây trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Đến nay, hơn 150 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất. Chính phủ Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới vụ việc ở Salisbury, đồng thời tuyên bố trục xuất số nhân viên ngoại giao tương đương của nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định liên minh quân sự này không có ý định cô lập Nga sau vụ cha con cựu điệp viên hai mang người Nga Skripal bị đầu độc.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, phát biểu trong chuyến thăm Canada, ông Stoltenberg nhấn mạnh NATO không nhắm tới việc cô lập Nga mà sẽ tiếp tục tìm kiếm quan hệ tốt hơn với Nga - quốc gia láng giềng của NATO.

Tuy nhiên, NATO không thể "không thể hiện thái độ trước vụ đầu độc trên"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.