Theo Reuters, ngày 19/12, Nga tuyên bố sẽ không để Mỹ thanh sát tên lửa hành trình có khả năng hạt nhân mới của nước này "Novator 9M729” giữa tâm điểm cuộc tranh cãi giữa Washington và Moskva có nguy cơ phá vỡ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mang tính bước ngoặt mà hai bên ký hồi năm 1987.
Washington đe dọa sẽ rút khỏi INF với cáo buộc rằng tên lửa mới của Nga Novator 9M729 (mà NATO gọi là SSC-8) vi phạm Hiệp ước, vốn cấm hai bên triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu.
Tuy nhiên, Nga tuyên bố rằng tầm bắn của tên lửa này không xa như Mỹ cáo buộc và hoàn toàn tuân thủ INF.
Nga cáo buộc Mỹ cố tình tạo cớ giả để rút khỏi một hiệp ước mà Washington muốn chấm dứt bằng mọi cách để phát triển những tên lửa mới.
[Tổng thống Nga Putin để ngỏ khả năng nước khác tham gia INF]
Trước đó trong tháng này, Mỹ đã đưa ra tối hậu thư yêu cầu Moskva chấm dứt vi phạm hiệp ước về tên lửa và trở lại "tuân thủ đầy đủ và có thể kiểm chứng" INF trong vòng 60 ngày. Điều đó đồng nghĩa Moskva đang chịu sức ép phải loại bỏ tên lửa mới và bệ phóng của nó.
Tuy nhiên, Nga ngày 19/12 nhấn mạnh Moskva không có ý định để các thanh sát viên của Mỹ kiểm tra tên lửa này, vốn vẫn chưa được thử nghiệm ở phạm vi dài hơn như Washington cáo buộc.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Kommersant số ra ngày 19/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh: "Hiện chúng tôi không cảm thấy rằng một bước đi như vậy sẽ được biện minh từ quan điểm chính trị hoặc kỹ thuật."
Ông Ryabkov cũng cáo buộc các nỗ lực "xâm phạm trắng trợn" để nắm bắt quá trình sản xuất tên lửa của Nga và nói rằng Washington từng từ chối yêu cầu của Nga về việc kiểm tra bên trong các tàu ngầm của Mỹ theo một hiệp ước kiểm soát vũ khí khác./.