Kinh tế Séc khổ vì Nga-Phương Tây "căng" nhau

Nga-Phương Tây "căng" nhau, kinh tế Séc bị ảnh hưởng

Cuộc chiến thương mại phương Tây-Nga có thể khiến người tiêu dùng Séc phải trả giá do khí đốt và hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Nga-Phương Tây "căng" nhau, kinh tế Séc bị ảnh hưởng ảnh 1Nga và phương Tây căng thẳng có thể làm tăng giá khí đốt nhập khẩu của Séc. (Nguồn: lngworldnews.com)

Cuộc chiến thương mại giữa phương Tây với Nga có thể khiến người tiêu dùng Séc phải trả giá do khí đốt và hàng hóa nhập khẩu của nước này trở nên đắt đỏ hơn. Đó là kết luận của các nhà phân tích của ngân hàng Raiffeisebnbank (Đức).

Radio Praha dẫn ý kiến của các chuyên gia Raiffeisebnbank cho biết, trong trường hợp mối quan hệ vốn không mấy suôn sẻ giữa Nga và phương Tây leo thang thành một cuộc chiến tranh thương mại do cuộc khủng hoảng Ukraine thì tình hình có thể diễn biến theo một trong hai kịch bản như sau.

Kịch bản thứ nhất tương đối nhẹ nhàng hơn, theo đó các công ty nước ngoài sẽ rút khỏi thị trường Nga vì sợ rủi ro. Khi đó Séc có thể cảm nhận một cách gián tiếp hậu quả của lệnh trừng phạt đối với Nga và điều này thể hiện trong sự suy giảm nhu cầu đối với hàng hóa của Séc.

Cần lưu ý rằng Đức là một trong những nhà đầu tư lớn ở Nga và cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ tới cả nền kinh tế Séc. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Cộng hòa Séc đang chậm lại và chỉ đạt hơn 2% trong năm nay cũng như năm tới. Nhu cầu trong nước ở mức thấp sẽ khiến các ngân hàng Séc duy trì lãi suất thấp.

Kịch bản thứ hai nguy kịch hơn, theo đó phương Tây sẽ ngừng mua một phần khí đốt và dầu mỏ của Nga. Trong trường hợp này hậu quả của khủng hoảng sẽ được cảm nhận ngay tức thì trong một số ngành của Séc như công nghiệp ôtô, năng lượng, khu vực tài chính. Khi đó kinh tế Séc có nguy cơ suy thoái trở lại. Séc sẽ phải mua khí đốt của Na Uy để thay thế cho khí đốt của Nga và điều này sẽ đẩy giá khí đốt tăng cao trước khi đến tay người tiêu dùng trực tiếp.

Hiện nay Nga đáp ứng tới 70% nhu cầu về khí đốt của người tiêu dùng Séc. Ở kịch bản thứ hai Ngân hàng trung ương Séc sẽ duy trì tỷ giá đồng koruna thấp hơn giá trị thực thêm một năm so với dự kiến, cho đến cuối năm 2015.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Raiffeisenbank cũng nghiêng về ý kiến cho rằng nhiều khả năng sẽ không diễn ra các kịch bản nguy kịch mà tình hình sẽ dần dần ổn định.

Theo các chuyên gia của ngân hàng này, sự khởi sắc của kinh tế Mỹ và các nước châu Âu, trong đó có Cộng hòa Séc, sẽ tiếp diễn.

Dự kiến, kinh tế Séc sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm nay và khoảng 2,6-2,8% trong năm 2015 nếu cuộc khủng hoảng Ukraine không đẩy giá năng lượng và hàng hóa leo thang./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.