Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 10/4 đã tuyên bố với người đồng cấp Mỹ Jack Lew rằng Moskva quan ngại về tình trạng nợ tiền mua khí đốt của Kiev, song sẵn sàng cộng tác với các đối tác quốc tế về khoản viện trợ tài chính dành cho Ukraine.
Phát biểu với phóng viên sau khi gặp ông Lew bên lề Hội nghị mùa Xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, ông Siluanov nói: "Nga quan ngại về khoản nợ khí đốt ngày càng tăng mà Ukraine mua của Nga, đặc biệt trong bối cảnh mùa Đông của giai đoạn 2014-2015 sắp đến."
Bên cạnh đó, ông còn khẳng định rằng "Nga sẵn sàng cùng với IMF và Liên minh châu ÂU (EU) tham gia hỗ trợ Ukraine" đồng thời tuyên bố với ông Lew rằng việc sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga là hợp pháp.
Cũng trong ngày 10/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thư tới lãnh đạo 18 nước châu Âu mua khí đốt của Nga, trong đó bày tỏ đặc biệt quan ngại về tình hình kinh tế hiện nay tại Ukraine và hậu quả có thể có đối với việc trung chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu.
Theo người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov, nội dung thư nêu rõ trong những tháng gần đây, kinh tế Ukraine suy thoái nhanh chóng, sản xuất công nghiệp và xây dựng giảm mạnh, thâm hụt ngân sách tăng, lĩnh vực tiền tệ xấu đi nghiêm trọng, thâm hụt thương mại, giảm vốn đầu tư, nền kinh tế có nguy cơ phá sản, ngừng sản xuất và bùng nổ lạm phát.
Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga và các nước Liên minh châu Âu (EU) là những đối tác thương mại lớn của Ukraine.
Tại hội nghị thượng đỉnh Nga-EU cuối tháng 1, hai bên đã thỏa thuận tiến hành thảo luận về phát triển kinh tế Ukraine.
Tuy nhiên, thay vào đó, các đối tác châu Âu chỉ kêu gọi Nga giảm giá khí đốt, dường như muốn đổ hết hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế tại Ukraine cho Nga.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết trong 4 năm qua, Moskva đã hỗ trợ nền kinh tế Ukraine 35,4 tỷ USD thông qua giảm giá khí đốt.
Trong khi đó, các đối tác châu Âu mới chỉ đưa ra những lời hứa hẹn mà chưa có biện pháp thực tế nào hỗ trợ Ukraine.
Trên thực tế, EU sử dụng nền kinh tế Ukraine như một nguồn cung cấp nguyên liệu thực phẩm, kim loại và khoáng sản, cũng như một thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo nên cán cân thâm hụt thương mại lên đến 10 tỷ USD.
Theo Tổng thống Nga, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của Ukraine phần lớn do chính cán cân thâm hụt này với EU, và điều đó đã tác động tiêu cực đến việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng cung cấp khí đốt giữa Nga và Ukraine.
Trong thư, Tổng thống Putin tuyên bố Nga không cần thiết và cũng không thể tiếp tục một mình gánh vác nhiệm vụ hỗ trợ kinh tế Ukraine thông qua việc ưu đãi giá khí đốt hay hoãn nợ, mà thực chất là "trợ cấp" cho thâm hụt thương mại của Ukraine với EU.
Tổng thống Nga nêu rõ tình hình hiện nay chỉ có một lối thoát là tiến hành ngay các cuộc tham vấn cấp bộ trưởng kinh tế, tài chính và năng lượng để đề ra những biện pháp ổn định nền kinh tế Ukraine và đảm bảo cung cấp cũng như trung chuyển khí đốt của Nga theo đúng hợp đồng./.