Nga sẽ thay Mỹ làm trung gian tiến trình hòa bình Israel-Palestine?

Ảnh hưởng của Nga đã được phục hồi tại Tây Á, trong khi vai trò của Mỹ trong khu vực đang mờ nhạt dần, đây chính là những yếu tố sẽ giúp Nga có được một vị thế mạnh hơn trước đây.
Nga sẽ thay Mỹ làm trung gian tiến trình hòa bình Israel-Palestine? ảnh 1Hố bom sau vụ không kích của máy bay Israel xuống thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza ngày 17/10/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên một kế hoạch hòa bình nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel và Palestine. Dự kiến kế hoạch này sẽ được công bố vào đầu năm 2019.

Tuy nhiên, Mỹ gần như đã đánh mất uy tín và vai trò làm trung gian cho tiến trình hòa bình này, đặc biệt là trong mắt của người Palestine.

Việc Mỹ gần đây chuyển sứ quán từ Tel Aviv tới thành phố Jerusalem đang tranh chấp và ngừng viện trợ cho người tị nạn Palestine càng khiến cho nhiều người đưa ra nhận định như trên và làm cho các sáng kiến hiện nay của Mỹ không được chấp nhận.

Trong bối cảnh các đại diện của Palestine bày tỏ quan ngại về lập trường của Mỹ đối với cuộc xung đột Israel-Palestine và yêu cầu tìm kiếm một nước trung gian khác thay Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông, có vẻ như Nga rất quan tâm đến việc đảm nhận một vai trò lớn hơn trong tiến trình này, và dư luận đang theo dõi sát sao xem Moskva có thể mang những gì tới bàn đàm phán trên cương vị là một nhà trung gian hòa giải.

Mặc dù Mỹ là nhân tố chính trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, song Nga cũng không phải hoàn toàn xa lạ với tiến trình này.

Nga là một trong những nước đồng bảo trợ các cuộc đàm phán hòa bình ở Madrid năm 1991. Nga cũng là một thành viên của Nhóm Bộ tứ về Trung Đông (3 thành viên khác là Mỹ, Anh và EU).

Nhóm này được thành lập nhằm làm trung gian hòa giải cuộc xung đột Israel-Palestine năm 2002. Do vậy, Moska có nhiều kinh nghiệm quý giá về tiến trình hòa bình này.

Nga sẽ thay Mỹ làm trung gian tiến trình hòa bình Israel-Palestine? ảnh 2Các thành viên nhóm Hồi giáo Jihad tại Dải Gaza. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cần phải lưu ý rằng trước đây Nga tham gia tiến trình hòa bình trong bối cảnh ảnh hưởng của Nga tại khu vực suy giảm.

Hiện giờ, ảnh hưởng của Nga đã được phục hồi tại Tây Á, còn vai trò của Mỹ trong khu vực đang mờ nhạt dần. Đây chính là những yếu tố sẽ giúp Nga có được một vị thế mạnh hơn trước đây.

Một nhân tố khác cũng có lợi cho Nga là Moskva có lập trường trung lập đối với cả Israel và Palestine, trong khi Mỹ ngày càng bị đánh giá là một nhà trung gian "không công bằng."

Nga cho rằng yêu cầu của người Palestine về việc thành lập một nhà nước của riêng họ là hơp pháp, đồng thời, Nga cũng duy trì các mối liên lạc chặt chẽ với hầu hết các phe phái ở Palestine.

Không giống như Mỹ, vốn coi Hamas là một tổ chức khủng bố, Nga tiếp cận trực tiếp với cả Chính quyền Palestine và Hamas.

Việc có thể đoàn kết các phe phái đang xung đột với nhau của Palestine là một yếu tố quan trọng đối với tiến trình hòa bình. Và đây là điều Nga có khả năng làm được.

[Hamas bắn ít nhất 16 quả rocket vào một số khu vực của Israel]

Nga cũng duy trì các mối quan hệ chính trị và kinh tế mạnh mẽ với Israel. Cuộc xung đột hiện nay tại Syria đã giúp cải thiện hơn mối quan hệ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Điều này có thể giúp Nga có thêm cơ hội thuyết phục phía Israel tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này. Mặc dù mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước đã bị nhiều người tỏ ý nghi ngờ sau khi Nga đổ lỗi cho Israel trong vụ va chạm "ngẫu nhiên" gần đây ở Syria, song Netanyahu đã thành công khi "tháo ngòi" căng thẳng.

Tuy nhiên, những lần làm trung gian trước đây của Nga gần như không mấy thành công, và các nỗ lực hòa bình của Moskva trên thực tế đã khiến cho tình hình hỗn loạn hơn.

Các biện pháp Nga dùng để giải quyết xung đột dựa nhiều vào việc sử dụng vũ lực chứ không phải theo hướng hòa bình, dẫn đến "nền hòa bình tiêu cực." 

Nga sẽ thay Mỹ làm trung gian tiến trình hòa bình Israel-Palestine? ảnh 3Khói bốc lên sau khi máy bay Israel không kích thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza ngày 17/10/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mới đây, "các khu vực giảm căng thẳng" ở Syria, được lập ra để mang lại một giai đoạn yên bình, đã không phát huy được tác mà ngược lại còn tạo cơ hội cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad tập trung nguồn lực vốn hạn chế của ông vào các mặt trận quan trọng hơn.

Một ví dụ khác là giải pháp hòa bình mới đây (và có lẽ chỉ mang tính tạm thời) cho khu vực Idlib của Syria.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế là Nga có thể thành công trên cương vị một nhà trung gian hòa giải tìm kiếm một giải pháp hòa bình khả thi cho cuộc nội chiến ở Syria, và điều đó có thể mang lại lợi thế cho Nga khi can dự trở lại vào cuộc xung đột Israel-Palestine.

[Ngừng bắn hay chiến tranh - Viễn cảnh không thể đoán trước ở Gaza]

Cuối cùng, những thay đổi thái độ gần đây của các cường quốc khác đối với Tây Á đã tạo cơ hội để Nga can dự vào các vấn đề của khu vực.

Mặc dù các đồng minh chính của Nga trong khu vực như Syria và Iran vẫn tỏ ra cực kỳ hiếu chiến khi nhắc đến Israel, song các hoạt động gần đây của Moskva tại Tây Á cho thấy Nga có ảnh hưởng hơn đối với các đồng minh này.

Việc Nga can dự vào tiến trình hòa bình này, ít nhất là ngầm hiểu, có thể đưa các nước này đi đến một sự đồng thuận, làm hạn chế nhiều nhân tố tiêu cực.

Tuy nhiên, Mỹ cũng có thể đưa các đồng minh truyền thống trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh NATO tới bàn đàm phán.

Trong trường hợp này, Moskva sẽ phải tìm cách hợp tác với Washington để tạo ra một tiến trình toàn diện và mới mong có hy vọng thành công./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.