Nga tìm cách ngăn tình trạng đầu cơ gây lạm phát trong nước

Sau động thái cấm nhập khẩu nông sản từ phương Tây, Nga có thể sẽ thương lượng kiểm soát giá với các nhà sản xuất thực phẩm trong nước nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ giá có thể gây lạm phát.
Nga tìm cách ngăn tình trạng đầu cơ gây lạm phát trong nước ảnh 1Hoa quả bày bán tại Moskva. (Nguồn: RIA Novosti)

Bộ Nông nghiệp Nga cho biết, kể từ sau động thái cấm nhập khẩu khoảng một nửa lượng hàng nông sản từ phương Tây, Nga có thể sẽ thương lượng một thỏa thuận kiểm soát giá với các nhà sản xuất thực phẩm trong nước, nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ giá có thể gây ảnh hưởng tới lạm phát của nước này.

Trước đó, để đáp trả đợt trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, Nga đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu các loại thịt, cá, các sản phẩm từ sữa, trái cây và rau từ Mỹ, 28 nước thành viên EU, Na Uy, Canada và Australia.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Nikolai Fyodorov cho hay trong ngắn hạn, lệnh cấm vận trên có thể đẩy mức lạm phát trong nước lên cao, nhưng xét về trung và dài hạn, kinh tế Nga sẽ không bị ảnh hưởng vì nước này đang tìm kiếm các đối tác nhập khẩu khác.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), lượng thực phẩm Nga nhập khẩu từ các nước nằm trong danh sách cấm vận lên tới 17,2 tỷ USD, trong đó các loại thực phẩm nằm trong danh mục cấm vận kể trên có giá trị 9,2 tỷ USD.

Ngân hàng BNP Paribas lưu ý trong khoảng thời gian 2014-2015, lệnh cấm vận trên có thể khiến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nga tăng thêm 1,8 điểm phần trăm.

Theo các chuyên gia phân tích, lạm phát cao sẽ có tác động mạnh đến lĩnh vực bán lẻ, trong đó có các hãng như Magnit, X5 Retail Group, Lenta, Dixy và O’Key./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.