Nga và Ukraine nối lại đàm phán trực tiếp về khí đốt tại Bỉ

Cuộc đàm phán được coi là dấu hiệu tích cực mới nhất có thể giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Đông-Tây liên quan nguồn cung năng lượng.
Nga và Ukraine nối lại đàm phán trực tiếp về khí đốt tại Bỉ ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP)

Nhằm giải quyết vụ tranh cãi giá khí đốt đe dọa cắt nguồn cung năng lượng cho châu Âu, với Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò trung gian, ngày 11/6, Nga và Ukraine đã nối lại đàm phán trực tiếp tại Brussels (Bỉ).

Đây cũng được coi là dấu hiệu tích cực mới nhất có thể giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Đông-Tây liên quan đến nguồn cung năng lượng.

Phát biểu sau cuộc gặp với Ủy viên phụ trách năng lượng của EU, ông Guenther Oettinger, người đứng đầu Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom, ông Alexei Miller cho biết phía Nga luôn ủng hộ các cuộc đàm phán về năng lượng.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ông đã ra lệnh phái đoàn Nga tham gia đàm phán giữ lập trường tích cực nhằm cùng các bên đạt được một thỏa thuận chấp nhận được.

Mặc dù vậy, ông Oettinger cảnh báo hiện còn quá sớm để nói về một bước đột phá trong cuộc đàm phán mới và các bên cần thêm nhiều ngày để đi đến một thỏa thuận cuối cùng.

Trước đó, Nga đã đặt thời hạn cho Ukraine đến 6 giờ GMT (13 giờ Việt Nam ngày 10/6 phải thanh toán một phần trong khoản nợ khí đốt lên tới vài tỷ USD.

Tuy nhiên, Gazprom đã gia hạn thêm 5 ngày (đến 16/6) sau khi hai bên đồng ý nối lại đàm phán do EU làm trung gian.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 11/6, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho biết Nga đã đề nghị giảm 100 USD/1.000 m3 khí đốt cho Ukraine, song Kiev đã từ chối đề xuất trên và đang tìm kiếm một sự thay đổi chính thức liên quan đến tỷ giá trong bản hợp đồng của hai bên.

Phát biểu tại cuộc họp nội các liên quan đến cuộc tranh cãi về giá cả với Moskva, ông Yatsenyuk cho hay Ukraine kiên quyết đạt được những thay đổi trong bản hợp đồng giữa công ty khí đốt quốc doanh Naftogaz và nhà sản xuất Gazprom của Nga, và Kiev nên trả tiền khí đốt theo giá thị trường.

Hiện Ukraine muốn thay đổi hợp đồng năm 2009, theo đó Kiev phải mua lượng lớn khí đốt được ấn định, dù có cần hay không, với giá 485 USD/1.000 m3, mức giá cao nhất mà khách hàng ở châu Âu phải chi trả.

Hãng tin Interfax-Ukraine dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Yuri Prodan nói rằng Kiev sẽ không thanh toán nợ khí đốt cho Nga cho đến khi hai bên đạt được một thỏa thuận toàn diện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.