Ngăn chặn sự xâm nhập của tà đạo: Tìm lại bình yên cho các bản, làng

Tây Nguyên là một trong những trọng điểm các thế lực thù địch tập trung chống phá với các hoạt động “diễn biến hòa bình," âm mưu khuấy động tư tưởng ly khai, tự trị, thành lập "nhà nước độc lập."
Ngăn chặn sự xâm nhập của tà đạo: Tìm lại bình yên cho các bản, làng ảnh 1Người dân Tây Nguyên. (Nguồn: TTXVN)

Đầu tư mạnh mẽ vào khu vực miền núi, biên giới, quan tâm đến sinh kế của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là quan tâm tới nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của người dân là chính sách chiến lược đang được Đảng, Nhà nước thực hiện.

Chính sách đó không chỉ giúp đồng bào người dân tộc thiểu số nâng cao đời sống vật chất tinh thần mà còn giúp họ nhận thức đúng, đặt đúng đức tin, không để tà đạo lôi kéo, dụ dỗ, góp phần trả lại cuộc sống bình yên cho các bản, làng…

Tây Nguyên - địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có đường biên giới với Lào và Campuchia, là nơi 54 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Cũng vì mang tính chiến lược như vậy, Tây Nguyên là một trong những trọng điểm các thế lực thù địch tập trung chống phá với các hoạt động “diễn biến hòa bình," âm mưu khuấy động tư tưởng ly khai, tự trị, tách Tây Nguyên ra khỏi đại gia đình các dân tộc và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, thành lập “nhà nước độc lập," tạo nhiều điểm nóng “xung đột” để lấy cớ cho bên ngoài can thiệp nhằm mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Chỉ rõ vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Phạm Minh Tấn cho biết hiện nay, thực tế là đời sống của một bộ phận đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Bên cạnh đó, một số nét văn hóa truyền thống, tập tục của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đang có biểu hiện dần mai một dưới tác động của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa.

"Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, các thế lực thù địch tìm mọi cách lừa gạt đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên để lôi kéo, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ," ông Phạm Minh Tấn nói.

Theo ông Phạm Minh Tấn, Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng được xác định là địa bàn quan trọng của cả nước về kinh tế, xã hội cũng như quốc phòng, an ninh.

Với hơn 5 triệu người sinh sống cùng nhiều thành phần dân tộc đa dạng, phong phú, tỷ lệ đồng bào có tôn giáo ở Tây Nguyên khá cao với 4 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, đạo Cao Đài cùng một số tín ngưỡng khác. Điều này đã tạo nên một bức tranh dân tộc, tôn giáo khá sinh động của Việt Nam nói chung và của Tây Nguyên nói riêng.

[Ngăn chặn sự xâm nhập của tà đạo: Phát triển vùng dân tộc thiểu số]

Trong những năm qua, với sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách về phát triển kinh tế-xã hội đã được ban hành.

“Nhờ đó, đời sống của đồng bào Tây Nguyên từng bước khởi sắc. Cộng đồng các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên luôn đóng góp trong xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, vận động các tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo; xây dựng đời sống mới," ông Phạm Minh Tấn khẳng định.

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chỉ rõ về quan hệ dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên, ngoài các đặc điểm chung về quan hệ dân tộc và tôn giáo của Việt Nam, quan hệ này tại Tây Nguyên có những đặc thù rõ nét, là giá đỡ, trụ cột đời sống tinh thần của cả cộng đồng cư dân nông nghiệp nương rẫy nơi đây, là hệ thống tín ngưỡng đa tầng, phản ánh thế giới khai sơ, huyền thoại gắn với hoạt động của các cá nhân, cộng đồng, làm nên nền văn hóa cộng đồng phong phú, đặc sắc của Tây Nguyên.

Cùng với đó là sự du nhập của các tôn giáo, tín ngưỡng mới vào cộng đồng làm cho cơ cấu dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên đa dạng, phong phú, nhưng cũng thay đổi văn hóa cộng đồng, xáo trộn đời sống đồng bào nơi đây.

Sự xuất hiện các tôn giáo mới, trong đó có những tà đạo, đã gây nên nhiều hệ lụy đối với cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Đặc biệt, các phần tử xấu, thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng những biến đổi của quan hệ dân tộc, tôn giáo, kích động tư tưởng dân tộc, tôn giáo cực đoan, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Việc phát triển tôn giáo sẽ làm rạn nứt cộng đồng truyền thống, đồng thời hình thành nên cộng đồng tôn giáo mới. Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước không những không từ bỏ mà sẽ tiếp tục lợi dụng các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, kích động xuyên tạc, làm phức tạp hóa, gây mâu thuẫn gia tăng, xung đột quan hệ dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên," Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Văn Lợi khẳng định.

Thực tế cũng cho thấy ở Tây Nguyên, dù vẫn còn những tồn tại trong phát triển kinh tế-xã hội, trong đó một phần khó khăn do kết nối của vùng này với phần còn lại của đất nước, đặc biệt là tới các trung tâm kinh tế đã cản trở nỗ lực bứt phá của Tây Nguyên cũng như hạn chế phần nào nỗ lực xóa đói, giảm nghèo ở đây. Song Tây Nguyên đang “thay da, đổi thịt” từng ngày. Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền địa phương cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo.

Chính sách đó đã tạo không khí sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Tây Nguyên rất sôi động, tiến bộ. Các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo được tự do hoạt động, sinh hoạt tôn giáo theo đúng các quy định của pháp luật.

Cộng đồng các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng luôn đóng góp vào xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, vận động các tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo; xây dựng đời sống mới.

Theo khẳng định của Mục sư Y Ky Ê Ban, Quản nhiệm Chi hội Tin lành Ea Tul, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, bà con dân tộc ở Ea Tul tự do đi theo đạo, không có sự ép buộc. Chính quyền tạo điều kiện thuận lợi nhất để xây nhà thờ làm nơi thờ tự. Ở Ea Tul không có gì gọi là cấm đoán nên bà con rất vui mừng, phấn khởi.

Thực tế, các tín hữu thuần túy đều thấy được vấn đề lôi kéo, tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu chế độ, chính sách, Nhà nước, gây chia rẽ của tổ chức Tin lành đấng Christ. Bà con dân tộc không nghe tin tức bên ngoài để kẻ xấu xúi giục hoặc lôi kéo.

Sinh hoạt tôn giáo đã tác động tích cực đến đời sống văn hóa và cuộc sống thường nhật của bà con dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, làm thay đổi nếp sống lạc hậu được truyền từ đời này qua đời khác. Những phong tục, tập quán lạc hậu được xóa bỏ, thay vào đó là lối sống văn minh, hiện đại trong sinh hoạt, sản xuất và trong gia đình.

Tại làng Plei Mơ Nú, xã Chư Á, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, trước đây, do chưa có nhà thờ, dân làng sinh hoạt tôn giáo tạm bợ trong một ngôi nhà của người dân. Với số tín hữu càng ngày càng gia tăng và được dân làng hiến đất, Hội Thánh Tin lành Plei Mơ Nú quyết định xây dựng nhà thờ Plei Mơ Nú.

Ngăn chặn sự xâm nhập của tà đạo: Tìm lại bình yên cho các bản, làng ảnh 2Đồng bào Jrai đến Nhà thờ Tin Lành Plei Mơ Nú để cảm tạ Chúa đã ban cho mình sức khỏe, trí tuệ. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Ngày 20/11/2015, lễ đặt viên đá xây dựng nhà thờ Tin Lành Plei Mơ Nú diễn ra trong ơn lành Chúa ban cho. Sau 7 tháng thi công, công trình được hoàn tất. Số dân trong làng Plei Mơ Nú theo đạo Tin lành hiện nay là hơn 1.000 người, đều là người dân tộc Jrai và nằm trong tổng số khoảng 154.160 tín hữu theo đạo Tin lành ở Gia Lai. “Sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” chính là đường hướng hoạt động của đồng bào tín hữu.

Và với đồng bào ở Tây Nguyên, suy nghĩ của họ về Tổ quốc và dân tộc như giãi bày của ông Nay Tek, thôn Plei Chrung, xã Iapiar, huyện Phú Thiện, Gia Lai: “Bác Hồ nói là Việt Nam mình là có một dân tộc thôi. Khác dáng, khác giống nhưng mà chung một giàng. Mình nghĩ người Kinh cũng là xác thịt, đồng bào dân thiểu số cũng xác thịt vậy. Mình từ đó tới giờ nhận thức rằng là Việt Nam mình chỉ có một dân tộc thôi. Dù là người Kinh, người Dao, người Bahnar hoặc là người thiểu số, người đồng bào gì đó cũng là một dân tộc Việt Nam”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục