Ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để kiểm soát, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, Kiên Giang cần kiểm tra chặt chẽ, tăng cường truyền thông đến ngư dân.
Ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài ảnh 1Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Chiều 25/7, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với tỉnh Kiên Giang về quản lý khai thác thủy sản và tàu cá; chống khai thác IUU, sạt lở bờ biển và mô hình trồng lúa.

Kiên Giang là một trong những tỉnh có nghề khai thác hải sản phát triển. Với lợi thế diện tích tự nhiên lớn, nhiều sông ngòi, kênh rạch đổ ra biển, cộng với đường bờ biển dài và trên biển có nhiều hòn đảo, Kiên Giang có điều kiện thuận lợi để đa dạng các hình thức và đối tượng nuôi trồng thủy sản trên cả ba thủy vực mặn, ngọt, lợ.

Hiện toàn tỉnh đã thả nuôi hơn 281.000ha, bằng 111,89% so với cùng kỳ và đạt 87,50% kế hoạch, sản lượng thu hoạch trên 97.000 tấn thủy sản các loại.

Đối với công tác kiểm soát ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài theo các khuyến nghị của EC, các sở, ngành, đơn vị chức năng của Kiên Giang đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển để tiến hành xử lý các tàu cá vi phạm và có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. T

Từ tháng 10/2017 đến tháng 6/2019, Kiên Giang đã tiến hành tuần tra và xử lý các tàu vi phạm, cụ thể như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Kiên Giang tổ chức 3 đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát; tiến hành kiểm tra 871 phương tiện; lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 118 phương tiện với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 200 triệu đồng.

Các đồn, trạm kiểm soát biên phòng, Hải đội 2 tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện nghề cá nhất là số phương tiện đăng ký hành nghề khai thác xa bờ.

Lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản đã tổ chức 90 cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên biển, đã kiểm tra trên 760 phương tiện, tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 613 vụ với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 11 tỷ đồng.

[Đánh bắt kém hiệu quả, nhiều tàu cá ở Kiên Giang không ra khơi]

Về tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch dứt điểm vụ mùa và Đông Xuân 2018-2019 với hơn 353.000ha, đạt 100% diện tích gieo trồng, sản xuất lúa chất lượng cao chiến 89,10%.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng số cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện được 28 cánh đồng lớn, với tổng diện tích trên 23.000ha. Tổng kim ngạch xuất khẩu gạo trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2019 đạt 94,66 triệu USD.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh trong công tác kiểm soát, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tỉnh Kiên Giang cần kiểm tra chặt chẽ, đôn đốc ráo riết, tăng cường truyền thông đến ngư dân.

Nằm ở vị trí địa đầu phía Tây Nam Tổ quốc, việc thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU của Kiên Giang sẽ có ý nghĩa quyết định đối với cả nước trong việc ngăn chặn triệt để hiện tượng khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển nước ngoài.

Bộ trưởng đề nghị các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư tỉnh Kiên Giang với tinh thần quyết tâm cao nhất, cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU; đồng thời quy trách nhiệm cụ thể cho từng huyện, từng xã có trường hợp vi phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.