Ngày 22/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức buổi công bố quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về nhân sự tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Sau hơn một năm được đưa vào kiểm soát đặc biệt, SCB đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan của Ngân hàng Nhà nước, Bộ, ngành và các cơ quan của Thành phố Hồ Chí Minh tích cực triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.
[Ngân hàng Nhà nước đã trình chủ trương cơ cấu lại Ngân hàng SCB]
Đến nay, hoạt động của ngân hàng SCB đang dần ổn định, từng bước xử lý khó khăn, vướng mắc và tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu.
Theo yêu cầu công tác, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định thôi chỉ định nhân sự tham gia Hội đồng quản trị SCB đối với ông Vũ Anh Đức. Theo đó, ông Vũ Anh Đức thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị và được điều động trở lại để đảm nhiệm vị trí quan trọng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank).
Qua xem xét, đánh giá năng lực cán bộ, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định trưng tập, chỉ định ông Phan Đình Điền thôi đảm nhiệm chức danh thành viên Hội đồng thành viên Agribank sang nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB thay ông Vũ Anh Đức kể từ ngày 22/9.
Là một người có bề dày kinh nghiệm, công tác trong ngành ngân hàng gần 30 năm, ông Phan Đình Điền đã trải qua các vị trí lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo chi nhánh tới thành viên Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).
Trong suốt quá trình đó, ông Phan Đình Điền luôn có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm cao và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có năng lực quản trị điều hành, đặc biệt là có nhiều kinh nghiệm xử lý nợ.
Ngân hàng Nhà nước cũng mới trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại ngân hàng SCB theo quy định.
Để ổn định hoạt động của SCB, ngày 14/10/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định kiểm soát đặc biệt ngân hàng này. Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo đó, hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn được thực hiện dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp cần thiết để ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh.