Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng

Nhóm Ngân hàng Thế giới có thể đóng góp những kiến thức, kinh nghiệm quốc tế; nhấn mạnh những điều kiện kinh tế thuận lợi ở Việt Nam hiện nay là cơ hội tốt đẩy mạnh cải cách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Makhtar Diop, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Makhtar Diop, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, từ ngày 20-22/2, trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, ông Makhtar Diop, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Cơ sở hạ tầng, cho biết sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam - với tốc độ tăng trưởng ở mức gần 7,1% năm 2018 - đang gia tăng nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững của Việt Nam sẽ lên tới 25 tỷ USD mỗi năm.

Theo ông Makhtar Diop, nhu cầu tài chính lớn như vậy không thể chỉ do khu vực công đáp ứng. Cải thiện hiệu quả đầu tư công đồng thời xây dựng những điều kiện phù hợp để thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng là những hợp phần quan trọng để giải quyết các thách thức về phát triển cơ sở hạ tầng.

[Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc mọi thỏa thuận với WB]

Trong chuyến thăm, ông Makhtar Diop đã có những cuộc thảo luận hiệu quả với lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Ông Makhtar Diop khẳng định cam kết của Nhóm Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện nghị trình phát triển cơ sở hạ tầng.

Nhóm Ngân hàng Thế giới có thể đóng góp những kiến thức, kinh nghiệm quốc tế; nhấn mạnh những điều kiện kinh tế thuận lợi ở Việt Nam hiện nay là cơ hội tốt đẩy mạnh cải cách.

Nhấn mạnh các đầu tư lớn và có chất lượng vào cơ sở hạ tầng sẽ đóng vai trò then chốt để duy trì tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạ, ông Makhtar Diop đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc lập kế hoạch và ưu tiên các dự án cơ sở hạ tầng xương sống của quốc gia, bao gồm đường cao tốc, đường sắt, đường thủy nội địa; cơ sở hạ tầng địa phương trong những lĩnh vực quan trọng như giao thông đô thị và xử lý nước thải; cơ sở hạ tầng liên vùng thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như giải quyết các thách thức mới phát sinh như biến đổi khí hậu.

Ông Makhtar Diop cho biết Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, cũng như giúp huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, để Việt Nam có thể phát triển những cơ sở hạ tầng quan trọng. Dựa trên cách tiếp cận “Tối đa hóa tài chính cho phát triển,” Ngân hàng Thế giới đã và đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng môi trường pháp lý hiệu quả nhằm thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân.

Các hoạt động này bao gồm xây dựng khung pháp lý toàn diện về đối tác công-tư và thúc đẩy sự phát triển của khu vực tài chính trong nước đồng thời đảm bảo rằng hoạt động hiệu quả của Doanh nghiệp Nhà nước là một nội dung quan trọng trong chương trình về cơ sở hạ tầng.

Nhân dịp này, ông Makhtar Diop đã gặp gỡ lãnh đạo thành phố Hà Nội để thảo luận về nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của thủ đô, đặc biệt là giao thông đô thị; thăm những cơ sở hạ tầng quan trọng tại thành phố cảng Hải Phòng bao gồm Nhà máy Vinfast - nhà sản xuất ôtô và xe máy điện đầu tiên của Việt Nam, Cảng quốc tế Lạch Huyền; chứng kiến những kết quả từ Dự án Phát triển giao thông đô thị Hải Phòng do Ngân hàng Thế giới tài trợ nhằm giúp nâng cao khả năng tiếp cận đô thị, đồng thời tăng cường năng lực quản lý và quy hoạch giao thông đô thị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.